Áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vẫn gia tăng, đặc biệt là nhóm DN bất động sản. |
Trong bối cảnh, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng. Nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn. Do đó, danh sách các công ty chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu vẫn tiếp tục tăng lên.
Nhiều ý kiến cho rằng, các tác động về mặt tâm lý từ rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp được giảm thiểu tối đa và sẽ không gây ra các cú "shock" như năm 2022 song vẫn sẽ tác động phần nào lên thị trường chung.
Vndirect Research cho biết, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn trong quý II đạt hơn 62.535 tỷ đồng, tăng 76,8% so với quý 1 và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn có xu hướng tăng mạnh kể từ tháng 5 - theo số liệu của HNX cống bố đến ngày 26/6/2023.
VNDirect thấy rằng giá trị trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn tăng mạnh trong quý 2 đến từ hoạt động mua lại trước hạn của nhóm ngân hàng. Nhóm ngân hàng đã mua lại tổng cộng 39.842 tỷ đổng trái phiếu trước hạn, chiếm 63,7% tổng giá trị được mua lại.
VNDirect cho rằng hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu sẽ tiếp tục diễn ra sôi động trong quý 3/2023.
Áp lực trái phiếu doanh đáo hạn vẫn đang gia tăng trong 2 quý cuối năm nay, trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn kinh doanh và khó khăn về dòng tiền. Việc có thể đàm phán để gia hạn thời hạn các trái phiếu sắp đến hạn là một trong những giải pháp tốt nhất mà những doanh nghiệp này có thể lựa chọn ở thời điểm này để có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra đủ dòng tiền chi trả cho các khoản nợ trái phiếu của mình.
Trong năm 2023, VNDirect ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu vào khoảng 223.400 tỷ đồng, tăng 45,6% so với 2022.
Trong quý 3/2023, sẽ có khoảng hơn 75.900 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, tăng 14,9% so với quý trước đó). Nhóm bất động sản là nhóm có tỷ trọng lớn nhất chiếm gần 43,6% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý III, đứng thứ 2 là nhóm Tài chính – Ngân hàng với tỷ lệ chiếm 30% tổng giá trị đáo hạn.
Ngoài ra, VNDirect cho biết, trong quý II/2023, thị trường chỉ ghi nhận 29 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước thành công với tổng giá trị phát hành đạt khoảng 19.281 tỷ đồng, giảm 34,4% so với quý I/2023, và giảm 83,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm tổng giá trị phát hành trái phiếu đạt khoảng 48.687 tỷ đồng, giảm 73,3% so với cùng kỳ. Trong đó tổng giá trị các đợt phát hành riêng lẻ đạt 42.787 tỷ đồng, giảm 75,6%, tổng giá trị phát hành công chúng đạt 5.900 tỷ đồng, giảm 15,9%.
VNDirect nhận thấy niềm tin của các nhà đầu tư chưa quay trở lại trong bối cảnh còn nhiều tổ chức phát hành đang gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh, khó khăn về dòng tiền dẫn tới chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn. Đây là những nguyên nhân chính khiến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn trầm lắng trong quý vừa qua.