Số lượng người lao động phía Nam làm việc ở nước ngoài thấp
Người lao động bị giảm giờ làm, mất việc được hỗ trợ số tiền 1 đến 3 triệu đồng |
Ảnh minh hoạ |
Theo báo cáo tại Hội thảo thúc đẩy đưa người lao động (NLĐ) các địa phương phía Nam đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận, 23 tỉnh, TP phía Nam có tiềm năng, nguồn lực lao động rất lớn. Tuy nhiên, NLĐ của các địa phương này đi làm việc ở nước ngoài còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu.
Thống kê của Trung tâm Lao động ngoài nước cho thấy, số lượng người lao động của 23 tỉnh, thành phố phía Nam chỉ chiếm 10% số lượng lao động đưa đi của Trung tâm. Cạnh đó, số lượng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thông qua các chương trình của Trung tâm trong cơ cấu chung còn thấp, một số tỉnh như Đồng Tháp, Long An chỉ chiếm từ 3-4%.
Mặt khác, tỉ lệ lao động là sinh viên, học viên các trường cao đẳng nghề tham gia tuyển chọn lao động có tay nghề đi làm việc ở nước ngoài cũng không cao. Từ năm 2018 đến nay, qua bốn kỳ tuyển chọn thí điểm lao động tay nghề Hàn theo Chương trình EPS, Trung tâm không tuyển được sinh viên nào từ các trường dạy nghề phía Nam.
Nguyên nhân của vấn đề này, theo Trung tâm Lao động ngoài nước, do NLĐ khu vực phía Nam có tâm lý ngại thay đổi, ngại đi xa gia đình và còn nhiều nghi ngại khi đi làm việc ở nước ngoài.
Các địa phương mặc dù quan tâm nhưng chưa tạo được phong trào, chưa xây dựng được các điển hình thôn, xóm, xã, huyện có đông đảo NLĐ đi làm việc ở nước ngoài như các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Cùng với đó, thông tin về các chương trình của Trung tâm chưa thực sự phổ biến và chưa được nhiều NLĐ biết đến. Trung tâm chưa có cơ sở đào tạo ngoại ngữ và giáo dục định hướng tại phía Nam nên NLĐ khu vực này phải ra Hà Nội thi tuyển và học định hướng, việc phải đi lại nhiều lần làm tăng chi phí dẫn đến NLĐ e ngại khi tham gia.
Công tác hỗ trợ giới thiệu việc làm cho NLĐ hết hạn hợp đồng lao động về nước trong thời gian qua cũng chưa tương xứng với tiềm năng của nguồn nhân lực này. Chưa có những chuyển biến mang tính đột phá để tạo ra động lực thực sự cho NLĐ hết hạn hợp đồng về nước hòa nhập vào thị trường lao động trong nước, góp phần giảm tình trạng NLĐ ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng…
Từ đó, Trung tâm Lao động ngoài nước đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình của từng địa bàn, nhu cầu và thế mạnh của NLĐ.
Ngoài ra, các tỉnh có biển như Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang... có thể định hướng cho NLĐ ven biển đi làm việc trong ngành ngư nghiệp. Đây là ngành mà phía Hàn Quốc có nhu cầu lớn, mức cạnh tranh thấp.
Mặt khác, xây dựng mạng lưới NLĐ hồi hương, tạo diễn đàn cho NLĐ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong việc chuẩn bị các kỹ năng cần thiết để tìm kiếm việc làm, ý tưởng khởi nghiệp phù hợp với khả năng.
Đồng thời, đẩy nhanh công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu NLĐ đi làm việc ở nước ngoài hết hạn hợp đồng về nước. Từ đó, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu với các đơn vị chức năng thuộc Bộ để tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp.
Hơn 8 tháng đầu năm, một tỉnh có 8.358 lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài |