Theo Quyết định 02/2023 khung giá bán lẻ điện bình quân sẽ có sự thay đổi nhẹ, với mức tối thiểu (chưa bao gồm thuế GTGT) là 1.826,22 đồng/kWh, tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với khung cũ, giá tối thiểu tăng 220,03 đồng/kWh (tương đương tăng 13,7%); giá tối đa tăng 537,67 đồng/kWh (tương đương tăng 28,2%).
Quyết định cũng nêu rõ khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất, kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chi phí sản xuất, kinh doanh điện và cần phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.
Việc tăng khung giá bán lẻ điện bình quân chưa làm thay đổi giá bán lẻ điện sản xuất và sinh hoạt |
Việc ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân chưa làm thay đổi giá bán lẻ điện sản xuất và sinh hoạt. Khung giá bán lẻ điện bình quân là cơ sở để Chính phủ quy định giá bán lẻ điện bình quân. Sau khi có kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2022, Bộ Công Thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng trong năm 2023. Giá bán lẻ điện bình quân sẽ là căn cứ để tính toán giá bán lẻ điện sinh hoạt, sản xuất cho người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Công thương yêu cầu EVN tập trung nguồn lực, hoàn thành quyết toán chi phí sản xuất, kinh doanh điện 2022, báo cáo tài chính của công ty mẹ tập đoàn và các đơn vị thành viên. Mặt khác, phải làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín kiểm toán báo cáo theo đúng quy định.
Trên cơ sở quyết toán chi phí sản xuất, kinh doanh điện, báo cáo tài chính năm 2022 của công ty mẹ và các đơn vị thành viên, bước tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ công bố công khai kết quả kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2022.
Đây cũng là căn cứ để Bộ Công Thương hoàn thành tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết khung giá của mức giá bán lẻ điện là cơ sở để EVN xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện. Nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên và trong khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân thì giá điện được phép điều chỉnh tăng, nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.
Trên cơ sở mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh trong khung giá, căn cứ cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện tại Quyết định 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương sẽ ban hành quyết định quy định giá bán điện cho các khách hàng sử dụng điện, trong đó có các bậc giá nhóm khách hàng sinh hoạt.
Trước đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề xuất tăng giá điện trong bối cảnh doanh nghiệp này ước tính lỗ hơn 30.000 tỉ đồng năm 2022 do giá nhiên liệu tăng cao. EVN dự tính năm 2023 nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành thì số lỗ dự kiến lên đến 64.941 tỉ đồng. Trong đó sáu tháng đầu năm sẽ lỗ 44.099 tỉ đồng và sáu tháng cuối năm sẽ lỗ 20.842 tỉ đồng. Như vậy, tổng lỗ sản xuất, kinh doanh của EVN lũy kế hai năm 2022 và 2023 là 93.817 tỉ đồng. Với số lỗ dự kiến trên, EVN nhận định nếu năm 2023 không được tăng giá điện ở mức phù hợp, EVN sẽ bị mất cân đối dòng tiền hoạt động. |