Tập đoàn Đèo Cả: Lợi nhuận “nhích nhẹ”, nợ phải trả gần 30.000 tỷ đồng
Theo BCTC hợp nhất năm 2022 vừa được Đèo Cả công bố, năm vừa qua, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần hơn 4.184 tỷ đồng (tăng khoảng 9% so với năm trước).
Trong đó, hợp đồng xây lắp, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa đạt 2.539 tỷ đồng (chiếm 61% cơ cấu doanh thu của Đèo Cả). Đứng sau là doanh thu các trạm thu phí BOT với 1.484 tỷ đồng (chiếm 35%).
Cơ cấu doanh thu thuần của Đèo Cả trong năm 2022. |
Kết thúc năm 2022, Đèo Cả báo lãi gần 419 tỷ đồng (tăng nhẹ 2% so với năm trước đó).
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Đèo Cả đạt 41.781 tỷ đồng tăng 6% so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn khoảng 1.137 tỷ đồng. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của Đèo Cả là tài sản cố định khoảng 28.972 tỷ đồng, chiếm 69%.
Đáng chú ý, tính đến cuối năm 2022, nợ phải trả của Đèo Cả khoảng 29.787 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay là 21.378 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay dài hạn từ các ngân hàng bao gồm 200 tỷ đồng dư nợ trái phiếu. Tổng số tiền lãi mà tập đoàn phải trả trong năm 2022 khoảng 683 tỷ đồng.
Nguồn: Đèo Cả. |
Tính đến cuối năm 2022, Đèo Cả có 8 công ty con, 4 công ty liên doanh liên kết và 5 đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc. Các công ty này đều hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh vật liệu xây dựng, thu phí BOT…
Trong đó, CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã CK: HHV) là công ty con thuộc Đèo Cả đã niêm yết trên HoSE.
Tính đến ngày 31/12/2022, Đèo Cả có bốn cổ đông lớn là: Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả - Hồ Minh Hoàng nắm 39,42% vốn điều lệ, CTCP Hải Thạch nắm 17,26% vốn điều lệ, bà Võ Thuỵ Linh nắm 6,12% vốn điều lệ, Công ty TNHH Đèo Cả Capital nắm 5,175 vốn điều lệ, số còn lại thuộc về các cổ đông khác.
Cơ cấu cổ đông tính đến cuối năm 2022 của Đèo Cả. |
Tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Đèo Cả đạt 8.720 tỷ đồng bao gồm 268 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.