Giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng đột biến, EVN “gồng mình” giảm lỗ |
Trong báo cáo gửi Bộ Công thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gần đây, EVN cho biết, năm 2022, là một năm hết sức khó khăn đối với EVN và các đơn vị thành viên trong việc cân đối tài chính do giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tăng cao. Tập đoàn cho hay đang đối diện tình trạng mất cân đối nghiêm trọng.
Theo lãnh đạo EVN, hiện giá than, giá khí cơ bản đã thực hiện theo cơ chế thị trường, tuy nhiên giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời theo biến động của giá các loại nhiên liệu đầu vào gây áp lực lớn đến cân bằng tài chính của EVN.
Lãnh đạo EVN cho biết, dù đã nỗ lực thực hiện các giải pháp như tiết kiệm chi phí thường xuyên, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn; tối ưu hóa dòng tiền, vận hành tối ưu nguồn điện, huy động tối đa nguồn thủy điện, giảm huy động các nguồn nhiệt điện có giá thành cao nhưng do chi phí mua điện tăng quá cao, trong khi giá bán lẻ điện không được điều chỉnh kịp thời dẫn đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN năm 2022 lỗ tổng cộng 27.685 tỷ đồng.
Với sản lượng điện thương phẩm năm 2023 dự kiến là 251,3 tỷ kWh, mỗi kWh điện bán ra đang bị lỗ 197 đồng/kWh. Như vậy, EVN dự kiến sẽ bị lỗ tổng cộng ước tính hơn 64.000 tỷ đồng, trong đó lỗ do tỷ giá lên tới hơn 3.800 tỷ đồng.
Phí đầu vào liên tục tăng cao trong cả năm 2022, tỷ giá biến động mạnh và hơn 4 năm liên tiếp không được điều chỉnh giá bán lẻ điện khiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gặp khó khăn. Ảnh minh họa. |
Năm 2022, giá than thế giới tăng phi mã, tăng gấp 6 lần so với đầu năm 2021 và gấp khoảng hơn 3 lần so với đầu năm 2022. Giá than tăng khiến chi phí sản xuất điện từ than nhập khẩu, giá dầu, tỷ giá tăng cao cũng lên tới 3.500 - 4.000 đồng/kWh, trong khi giá bán điện bình quân là 1.864 đồng/kWh khiến EVN ghi nhận năm lỗ kỷ lục trong lịch sử Tập đoàn.
Với khoản lỗ của năm 2022 và ước tính của năm 2023, EVN cho biết, nếu không được điều chỉnh giá điện, việc lỗ tới 90.000 tỷ đồng trong hai năm 2022-2023 sẽ khiến Tập đoàn mất tới 44,8% vốn Nhà nước tại EVN. EVN cũng dự kiến đến tháng 6/2023 Công ty mẹ - EVN sẽ thiếu hụt 4.416 tỷ đồng và đến 12/2023 thiếu hụt 27.779 tỷ đồng nếu giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 không được điều chỉnh.
Cùng với đó, Tập đoàn sẽ không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc cung cấp đủ điện.
Các số liệu thực tế cũng cho thấy, do bán điện thấp hơn giá thành, chỉ trong 2 tháng đầu năm EVN bị lỗ thêm 11.200 tỷ đồng.
Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành nghỉ hưu Sau 8 năm giữ chức vụ Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Dương Quang Thành sẽ nghỉ hưu từ 1/5, theo ... |