Nếu thời điểm cuối năm 2021 là giai đoạn bùng nổ doanh số bán hàng với môi giới bất động sản thì năm 2022 lại là một năm buồn của thị trường. Giao dịch trầm lắng, thanh khoản chậm, nhiều người không kịp thoát hàng… Sự trầm lắng của thị trường kéo dài ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp.
Đơn cử, tại Công ty Cổ phần Bất động sản Thế Kỷ (Cenland) có doanh thu thuần 175 tỷ đồng trong quý IV/2022, giảm đến 84% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế trong quý IV/2022 của Cenland âm 58,6 tỷ đồng.
Thị trường khó khăn, nhiều môi giới bất động sản mất việc làm |
Theo đơn vị này, do tình hình bất động sản trong quý cuối cùng của năm vô cùng khó khăn và tiếp tục có nhiều biến động không thuận lợi, hầu hết các ngân hàng siết chặt hơn các điều kiện cho vay mua bất động sản cũng như bổ sung các điều kiện cho vay, kiểm soát chặt về hạn mức cho vay đối với mua bất động sản và chính sách tăng cường kiểm soát thị trường trái phiếu bất động sản.
Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi (NRC) chỉ có 876 triệu đồng doanh thu trong quý IV/2022, giảm đến 99,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV/2022, NRC báo lỗ ròng 60 tỷ đồng, trong khi năm ngoái có lãi 190 tỷ đồng.
Theo giải trình của NRC, hoạt động kinh doanh của Công ty chủ yếu đến từ đầu tư và phát triển các dự án bất động sản. Các dự án đang chịu ảnh hưởng chung của thị trường khi giá bán không tăng, thanh khoản chịu sức ép lớn. Các dự án còn phụ thuộc vào chính sách tín dụng của ngân hàng nên khi có thay đổi sẽ tác động tới sự phát triển của dự án. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng, chi phí tài chính trong kỳ tăng, đặc biệt là chi phí lãi vay.
Năm 2022, doanh thu hoạt động môi giới của NRC chỉ đạt 28 tỷ đồng, giảm 76% so với năm trước. Doanh thu chung đạt 194 tỷ đồng, giảm 56% so với năm trước.
Các doanh nghiệp bất động sản không chỉ có doanh thu giảm, lợi nhuận giảm mà nhiều doanh nghiệp còn cắt giảm nhân sự với số lượng lớn. Tại Tập đoàn Đất Xanh ghi nhận giảm 3.191 người. Trong đó, một công ty con của Tập đoàn Đất Xanh là Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (mã chứng khoán: DXS) cắt giảm 3.040 người. Như vậy, doanh nghiệp này có biến động tổng cộng hơn 3.100 người chỉ trong quý IV/2022, đứng đầu thị trường địa ốc về cắt giảm nhân sự.
Trong quý IV/2022, Tập đoàn Đất Xanh đạt doanh thu thuần 984 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ năm trước. Đất Xanh ghi nhận lỗ trước thuế quý IV/2022 hơn 424 tỷ đồng và lỗ sau thuế 460 tỷ đồng. Điều này trái ngược với khoản lãi 245 tỷ đồng của quý IV/2021.
Hay tại Novaland, nguyên Chủ tịch HĐQT Novaland Bùi Xuân Huy cũng cho biết, phải quyết định tạm dừng nhân sự cho các dự án dài hơi hơn, những dự án quyết định chuyển chiến lược phát triển sau này. Đây là giải pháp tình thế để giải quyết những việc trước mắc. Công ty sẽ tập trung vào kinh doanh cốt lõi là đầu tư và phát triển bất động sản, việc tiết giảm chi phí nhằm tạo ra các sản phẩm phù hợp với diễn biến hiện tại để tối ưu hóa lợi nhuận cho khách hàng.
Kết thúc quý IV/2022, Novaland báo lợi nhuận trước thuế 736 tỷ đồng, giảm 48% và lợi nhuận sau thuế 239 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của Novaland đạt 11.135 tỷ đồng, giảm 25%; lợi nhuận gộp đạt 4.348 tỷ đồng, giảm 29%. Biên lợi nhuận gộp đạt 39%, giảm 2 điểm % so với năm trước.
Trong khi đó, khó khăn cũng buộc Khải Hoàn Land phải đóng cửa một số chi nhánh, văn phòng đại diện tại Nha Trang, Cần Thơ.
Thực tế cắt giảm lao động của ngành bất động sản được chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu chỉ ra là các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đã phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, thậm chí có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động. Theo ông Châu, điều này tác động đến vấn đề an sinh xã hội, ảnh hưởng đến các gia đình hoặc việc giảm lương cũng tác động đến cuộc sống của nhiều người lao động.
Ông Lê Hoàng Châu cho biết cả nước có hơn 300.000 môi giới bất động sản, nhưng chỉ khoảng 30.000 người đã được đào tạo và có chứng chỉ hành nghề. Trong khi đó, phần lớn những môi giới còn lại hoạt động tự do kiểu "cò đất, cò nhà".
Theo ông Châu, chính vì thiếu lực lượng môi giới bất động sản chuyên nghiệp có chứng chỉ hành nghề, có mã số nên trong thời gian qua, giới đầu nậu, cò đất, cò nhà, doanh nghiệp bất lương thường xuyên thổi giá, đẩy giá, giao dịch ảo, tạo khan hiếm giả tạo, gây ra sốt ảo trên thị trường bất động sản.
Ông Phạm Lâm - tổng giám đốc Công ty DKRA Việt Nam - cho rằng khoảng 95 - 98% các giao dịch bất động sản hiện đều qua lực lượng môi giới. Do đó, cần đưa ra quy định lực lượng môi giới phải có mã số hành nghề, để lưu lại thông tin. Theo ông Lâm, nếu môi giới tư vấn sai, hành nghề không đúng, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Do đó, đã đến lúc thị trường lao động trong ngành bất động sản, nhất là lực lượng môi giới cũng cần được "xốc" lại về số lượng, chất lượng khi phải hướng đến sự chuyên nghiệp, trách nhiệm pháp lý và tử tế. Quan trọng hơn, người lao động cần hướng đến những doanh nghiệp bền vững, có trách nhiệm với đội ngũ của mình lúc khó khăn thay vì chọn cái lợi trước mắt mà hướng đến những doanh nghiệp "ăn xổi ở thì".