Đề xuất đóng bảo hiểm xã hội 15 năm đã được hưởng lương hưu |
Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) hoàn thành cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2016 - 2021, cả nước có 4.058.317 người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần, bình quân mỗi năm gần 700.000 người hưởng.
Số lượng năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 11,6%. Tương ứng số người hưởng thì số tiền chỉ trả cũng tăng. Cụ thể, nếu năm 2016 là 10.488 tỷ đồng thì đến năm 2021 là 35.350 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn này, tổng số người tham gia BHXH tăng mới là hơn 4,2 triệu người (hơn 1 người tham gia mới lại có 1 người rời hệ thống).
Với chính sách, điều kiện hưởng BHXH một lần được đánh giá là hào phóng, hiếm có trên thế giới, dẫn tới tỷ lệ người hưởng BHXH một lần gần bằng người tham gia mới. Dẫn tới lo ngại gánh nặng an sinh cho người cao tuổi khi tốc độ già hóa dân số của Việt Nam ngày càng nhanh.
Cũng theo số liệu thống kê này, người lao động hưởng BHXH một lần tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng BHXH khu vực ngoài Nhà nước, với gần 2,9 triệu người, chiếm 90,74% tổng số người hưởng BHXH một lần.
![]() |
Sự chênh lệch lớn giữa các khu vực do tính chất công việc của lao động khối FDI và tư nhân thường chịu áp lực, dễ nhảy việc nên thường muốn hưởng BHXH một lần. Lao động nam rút BHXH một lần có độ tuổi bình quân 34 với 4,5 năm đóng BHXH và nữ là 32 tuổi với trung bình 4 năm tham gia.
Ngoài ra, chính sách BHXH một lần lại dễ tiếp cận, mức hưởng khá thoáng (mỗi năm tham gia BHXH trước năm 2014 được tính hưởng bằng 1,5 tháng lương bình quân đóng, sau năm 2014 tính bằng 2 tháng lương). Vì vậy, khi nghỉ việc và gặp khó khăn về tài chính, người lao động sẽ tính tới chế độ này đầu tiên.
Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, số người hưởng BHXH một lần gia tăng đồng nghĩa với mức độ bao phủ của hệ thống BHXH bị thu hẹp ở cả khía cạnh số người tham gia và số người hưởng lương hưu.
Trong bối cảnh dân số đang già hóa nhanh, dự báo đạt 23,3 triệu (chiếm 20,9% dân số) vào năm 2040, tình trạng rút một lần gia tăng khiến độ bao phủ an sinh ngày càng thu hẹp. Tương lai, ngân sách nhà nước phải chi trợ cấp xã hội nhiều hơn cho người già không hưu trí.
Còn với người lao động, việc hưởng BHXH một lần sau một năm nghỉ việc sẽ ảnh hưởng đến việc tích lũy quá trình đóng góp cần thiết để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng, giảm cơ hội được hưởng lương hưu khi về già. Đồng thời, không được hưởng lương hưu đồng nghĩa không được hưởng bảo hiểm y tế do quỹ Bảo hiểm xã hội, điều này sẽ gây thêm khó khăn về kinh tế cho bản thân và gia đình.
![]() |