Trước thềm huỷ niêm yết, FLC có khoản phải trả 137 tỷ đồng liên quan đến người lao động
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa ra quyết định hủy niêm yết đối với toàn bộ gần 710 triệu cổ phiếu của CTCP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) từ ngày 20/2.
Hiện nay, khi hầu hết các doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2022, FLC vẫn “im hơi lặng tiếng” về tình hình kinh doanh của mình trong quý cuối cùng của năm ngoái.
Nhìn vào cơ cấu nợ của FLC tính đến đến 30/9/2022, doanh nghiệp còn 137 tỷ đồng các khoản phải trả liên quan đến người lao động.
Theo Thông tư 133 hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp: Chi phí nhân viên quản lý gồm các khoản phải trả cho cán bộ nhân viên quản lý doanh nghiệp, như tiền lương, các khoản phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp của Ban Giám đốc, nhân viên quản lý ở các phòng, ban của doanh nghiệp. |
Cụ thể, khoản phải trả cho người người lao động của FLC ghi nhận hơn 47 tỷ đồng. Quỹ khen thưởng, phúc lợi phải trả là gần 42 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tiền bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp phải trả gần 43 tỷ đồng và kinh phí công đoàn là hơn 5 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp trong 3 quý đầu năm của FLC gần 718 tỷ đồng, trong đó chi phí nhân viên quản lý chiếm gần 186 tỷ đồng.
Năm 2022 là một năm nhiều biến động với FLC. Theo chia sẻ của tân Chủ tịch Lê Bá Nguyên hồi tháng 1 vừa qua, FLC đã phải thực hiện tái cấu trúc, sa thải nhân sự để cắt giảm chi phí. Năm 2023, FLC vẫn sẽ tiếp tục tiến hành tái cấu trúc toàn hệ thống, tinh gọn bộ máy để tối ưu chi phí.
Ở một diễn biến gần đây, sáng 5/2, FLC đã tổ chức bất thành ĐHĐCĐ bất thường do không đạt điều kiện trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đại hội.
Doanh nghiệp sau đó đã triệu tập ĐHĐCĐ bất thường lần 2. Nội dung chính nhằm miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT của ông Đặng Tất Thắng, đồng thời bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 mới.