TS Khương Kim Tạo: Đề xuất "hạ chuẩn" đăng kiểm viên hoàn toàn hợp lý
Từ hôm nay miễn đăng kiểm lần đầu với ô tô mới, giãn chu kỳ kiểm định xe |
Cục Đăng kiểm Việt Nam đang đề xuất sửa đổi Nghị định 139/2018 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới với nhiều điểm mới nhằm xoá những điểm nghẽn trong lĩnh vực đăng kiểm hiện nay.
Trong đó có một số đề xuất nổi bật như: Cho phép người có trình độ trung cấp, cao đẳng kỹ thuật cơ khí, có kinh nghiệm làm việc trong các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ôtô, có thời gian thực tập nghiệp vụ được thi sát hạch và cấp chứng chỉ đăng kiểm viên. Trong khi đó, quy định hiện hành bắt buộc đăng kiểm viên phải có trình độ chuyên môn đại học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí.
Dự thảo nghị định cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô (3S, 4S) có trang thiết bị, nhân lực đáp ứng quy chuẩn được phép kiểm định ô tô. Dự thảo nghị định cũng đề xuất mỗi dây chuyền chỉ cần tối thiểu một đăng kiểm (thay vì 3 như hiện nay) để khai thác tối đa năng lực các đơn vị đăng kiểm. Thực tế, nhiều trung tâm chỉ có 1 - 2 đăng kiểm viên nên toàn bộ dây chuyền phải đóng.
Sau khi thông tin, đề xuất “hạ chuẩn” đăng kiểm viên và mở rộng các cơ sở đăng kiểm trên đã nhận sự quan tâm đông đảo. Trong đó, có một số ý kiến lo ngại nếu đề xuất được phê duyệt sẽ kéo theo những nguy cơ khủng hoảng trong thời gian tới.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia |
Bàn về vấn đề này, TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia bày tỏ ý kiến ủng hộ. Ông Tạo đánh giá đề xuất này hoàn toàn hợp lý trong tình hình hiện nay.
TS Khương Kim Tạo phân tích, đăng kiểm viên ô tô là nghề dịch vụ kỹ thuật, đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn về lĩnh vực ô tô và có nghiệp vụ về đăng kiểm. Trước đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam mong muốn có hệ thống đội ngũ đăng kiểm viên chất lượng cao, vì vậy đã đưa ra tiêu chí đối với nghề đăng kiểm viên phải là những kỹ sư cơ khí ô tô mới được nhận vào làm học viên, đào tạo, thi cấp chứng chỉ đăng kiểm viên. Việc này duy trì được chất lượng cao về mặt chuyên môn và nghiệp vụ với đăng kiểm viên.
Sau này, để đáp ứng nhu cầu cần phải mở rộng đối tượng làm công tác đăng kiểm viên, khi soạn thảo Nghị định 139/2018 đã có sự thay đổi đăng kiểm viên là kỹ sư ngành cơ khí không bắt buộc cơ khí ô tô. Tuy nhiên, những kỹ sư ngành cơ khí nào chưa học những môn lý thuyết ô tô, kết cấu tính toán ô tô, cấu tạo ô tô, bảo dưỡng sửa chữa ô tô... thì sẽ phải học bổ sung theo quy định. Bởi, kỹ sư cơ khí chưa được đào tạo những môn này họ không biết về ô tô.
Hiện nay, với điều kiện trang thiết bị, hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, công tác giảng dạy tốt nên đưa ra giải pháp đăng kiểm viên không nhất thiết phải là kỹ sư cơ khí. Đồng thời, đề xuất nội dung như cho phép người có trình độ trung cấp, cao đẳng kỹ thuật cơ khí, có kinh nghiệm làm việc trong các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng ôtô, có thời gian thực tập nghiệp vụ được thi sát hạch và cấp chứng chỉ đăng kiểm viên.
Nguyên Phó chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia góp ý thêm, để triển khai đúng và hiệu quả, cần phân biệt giữa trình độ trung cấp cơ khí với trung cấp cơ khí ô tô.
Ông Tạo nói: "Những người học về trung cấp cơ khí ô tô sẽ biết được cấu tạo kết cấu ô tô, các môn liên quan đến ô tô. Còn những người học trung cấp hoặc cao đẳng cơ khí thì chưa nắm được. Vì vậy, những người này cần phải học để bổ trợ thêm những môn cần thiết. Như vậy, trong văn bản quy phạm nhà nước cần nêu rõ những đối tượng không học những môn yêu cầu về ô tô thì sẽ được đào tạo bổ sung nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Sau khi đáp ứng được yêu cầu chuyên môn sẽ được đào tạo nghiệp vụ đăng kiểm. Phải làm đúng quy trình như trên mới được".
Đưa ra ý kiến về việc cho phép các trung tâm bảo dưỡng sửa chữa, gara 3S, 4S tham gia vào công tác đăng kiểm, ông Tạo cho rằng, các cơ sở này phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định, nhân lực theo quy định. Trung tâm nào chưa đáp ứng trang thiết bị phải bổ sung theo yêu cầu.
Đối với công nhân và cán bộ kỹ thuật tại các cơ sở này phải được đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ theo quy định. Ông Tạo nhấn mạnh, các trung tâm bảo dưỡng, gara phải hoạt động và đáp ứng yêu cầu như một trạm đăng kiểm. Bên cạnh đó, Cục Đăng kiểm phải có những đánh giá, xét đầu vào và dạy để đội ngũ nhân lực tại đây trở thành đăng kiểm viên mới cho thực hiện công tác kiểm định ô tô.
Ảnh minh hoạ |
Trong tình hình hiện nay, cần tăng cường chất lượng hệ thống trang thiết bị, giám sát hoạt động chuẩn mực, tăng cường bồi dưỡng kiến thức sát với đăng kiểm. Dạy kiến thức liên quan đến đăng kiểm nhiều hơn. Khi dạy về đăng kiểm thì thiên về vấn đề sử dụng ô tô, an toàn trong ô tô và hạng mục sát với nội dung đăng kiểm.
Với đề xuất mỗi dây chuyền chỉ cần tối thiểu một đăng kiểm viên (thay vì 3 như hiện nay), TS Khương Kim Tạo cho rằng, đề xuất tương đối hợp lý. Bởi điều này sẽ tiết kiệm được nhân lực và khai thác tối đa năng lực các đơn vị đăng kiểm.
Bộ Công an cho biết, Cục Cảnh sát hình sự và 32 địa phương đã khởi tố 64 vụ án, 506 bị can về 7 tội danh khác nhau liên quan tiêu cực đăng kiểm khiến cho lĩnh vực này rơi vào khủng hoảng. Hàng loạt trung tâm buộc phải đóng cửa phục vụ công tác điều tra hoặc không thể vận hành do thiếu nhân lực, dẫn đến tình trạng ùn ứ, quá tải tại các trung tâm đăng kiểm.
Thông tin mới nhất từ Cục Đăng kiểm Việt Nam- Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tính đến sáng 28/3, toàn quốc có 234 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động (đạt 83%); chỉ còn 47 trạm đang tạm thời đóng cửa (chiếm 17%).
Cục Đăng kiểm đề xuất đăng kiểm viên không cần bằng đại học |