Một loạt lãi suất điều hành ở các kênh điều tiết nguồn của Ngân hàng Nhà nước tăng, cùng tín phiếu phát hành ồ ạt để hút tiền về với lãi suất cao phát đi thông điệp tăng lãi suất để chống lạm phát.
Đó là điểm nhấn cơ bản mà Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dẫn chứng khi nhìn lại tình hình vừa qua và hiện nay, tại tọa đàm "Quan điểm chính sách VEPR - Áp lực lạm phát năm 2022 và đề xuất chính sách” ngày 16/9.
Bối cảnh toàn cầu có quá nhiều áp lực
Tại tọa đàm trên, VEPR định hình chung: Mặc dù kinh tế vẫn đang phục hồi sau đại dịch nhưng rủi ro suy giảm đã gia tăng, với những bất ổn đến từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và những căng thẳng địa chính trị khác, lạm phát tăng vọt, điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt mạnh mẽ và kinh tế Trung Quốc giảm tốc.
Nền kinh tế Mỹ đối mặt với nguy cơ tăng trưởng chậm lại đáng kể trong quý 3/2022, thị trường cầu hàng hóa bị giảm dần dưới tác động của lạm phát tăng cao và các điều kiện tài chính thắt chặt.
Các nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, và lạm phát giá nhập khẩu năng lượng. Sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc đáng kể hơn dự kiến, do những tác động tiêu cực của sự lan rộng biến chủng COVID-19 cùng việc duy trì các hạn chế, cộng thêm đó là khủng hoảng thị trường bất động sản ngày càng sâu sắc, tiêu dùng nội địa và nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Trong giai đoạn 2022-2023, triển vọng kinh tế toàn cầu đã xấu đi, tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống từ 1,7-3,7% năm 2022 và 1,8-4,0% vào năm 2023. Kết quả là, lạm phát ở các quốc gia phát triển đang đạt đến mức chưa từng thấy kể từ những năm 1980.
Lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 7,2-9,4% vào năm 2022, trước khi giảm xuống 4,0-6,5% vào năm 2023.
Áp lực lạm phát từ phía cầu đã thúc đẩy các ngân hàng trung ương triển khai các chính sách tiền tệ chắt chặt và chạy đua lãi suất, tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng.
Động thái tăng lãi suất của một loạt ngân hàng trung ương các nước sẽ tạo các hiệu ứng phụ và các tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Đó là tác động bóp nghẹt sản xuất lẫn tiêu dùng dẫn đến suy thoái kinh tế, người lao động mất việc làm ảnh hưởng đến ổn đinh và an ninh. Trong nhiều trường hợp, vòng xoáy đình đốn sản xuất, thiếu hụt nguồn cung khiến lạm phát không giảm đi trong bối cảnh đình trệ sản xuất - kinh doanh; Các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế giảm tác dụng so với dự kiến ban đầu; Tăng trưởng giảm, đình trệ sản xuất kéo dài làm nản lòng các nhà đầu tư khiến họ rút lui khỏi thị trường.
Cùng đó, nợ xấu tăng khiến cho rủi ro hệ thống tài chính/ngân hàng tăng cao, kéo theo rủi ro nợ công; an sinh xã hội cho nhóm yếu thế gặp khó khăn; bất ổn xã hội kéo theo bất ổn an ninh...
Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022 phục hồi mạnh mẽ bất chấp bối cảnh kém lạc quan của kinh tế toàn cầu. Hầu hết các chỉ số kinh tế vĩ mô đều khá tích cực. Xuất khẩu tăng trưởng khá cao mặc dù các nền kinh tế đối tác gặp nhiều khó khăn. Trong 8 tháng đầu năm, xuất khẩu ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục xu hướng tăng. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước 8 tháng đạt trên 285,4 nghìn tỷ VND, bằng 51% kế hoạch, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện 8 tháng đạt 12,8 tỷ USD tăng 10,5%, cao nhất từ năm 2018 đến nay. Khu vực doanh nghiệp dần phục hồi, doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp trở lại thị trường tăng rất mạnh.
Số doanh nghiệp ngành dịch vụ quay trở lại thị trường trong 8 tháng năm 2022 tăng tới 55,7% trong khi số thành lập mới tăng 21,9% so cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tính tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến chế tạo, có mức tăng khá đồng đều ở các phân ngành, nổi trội hơn ở phân ngành chế biến thực phẩm, đồ uống, thuốc lá. Điều đó phản ánh nhu cầu trong nước có gia tăng cùng với mở cửa thị trường dịch vụ và du lịch.
Việt Nam vẫn đang kiểm soát khá tốt tình hình
8 tháng đầu năm 2022, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giá cước vận chuyển quốc tế liên tục tăng cao. Các đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và giá hàng hoá thô toàn cầu tăng cao khiến chi phí vận tải và đầu vào sản xuất của Việt Nam tăng, đẩy áp lực lạm phát tăng cao.
Giá xăng dầu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm đẩy giá cả nhóm giao thông vận tải tăng sốc. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước tăng tới 45,33% so với cùng kỳ năm trước, tác động trực tiếp làm CPI toàn phần tăng 1,63 điểm %.
Theo VEPR, nhìn chung áp lực lạm phát vẫn đang hiện hữu, song Việt Nam vẫn đang kiểm soát khá tốt tình hình. CPI bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,67% của bình quân 8 tháng năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của bình quân 8 tháng các năm 2018-2020.
"Kết quả này là một thành công trong kiểm soát giá cả của Chính phủ, tạo nền tảng để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% đã đề ra trong năm 2022", VEPR đánh giá.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, lạm phát toàn cầu tăng rất mạnh. Bên cạnh nguyên nhân cầu kéo và chi phí đẩy còn do hệ quả của việc nới lỏng các biện pháp tài khóa, tiền tệ trong giai đoạn dịch COVID-19 kéo theo nhu cầu tiêu dùng, đầu tư tăng trong khi nguồn cung ứng bị đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục.
Để chủ động ứng phó với rủi ro lạm phát, với các yếu tố nguy cơ cả từ bên trong và bên ngoài, thời gian qua, Chính phủ đã có những động thái chính sách được đánh giá là khá linh hoạt, phù hợp tình hình hiện tại.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục sử dụng các biện pháp bơm - hút tiền đan xen. Việc thực hiện bơm - hút tiền liên tục nhằm kiểm soát thanh khoản thị trường, điều tiết cung tiền, hướng tới thực hiện hai mục tiêu lớn: (1) Ổn định mặt bằng lãi suất và (2) giữ ổn định tỷ giá và giá trị đồng VND, qua đó kiểm soát, đối phó với áp lực lạm phát.
Các chính sách tài khóa cũng được kết hợp linh hoạt như thực hiện miễn, giảm thuế, phí đối với nhiều nhóm hàng thiết yếu, chiến lược, vừa hỗ trợ tăng trưởng, vừa giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Thực hiện nhiều biện pháp nhằm “hạ nhiệt” giá xăng dầu: Chính phủ đã sử dụng nhiều biện pháp, điều hành giá xăng dầu theo sát diễn biến giá thế giới; sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu; giảm thuế môi trường; dự kiến tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế nhập khẩu xăng dầu
Các biện pháp ổn định giá cả và nguồn cung đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu khác cũng đã giúp ổn định mặt bằng giá cả.
Đối mặt nhiều thách thức
Nhìn chung, trong 8 tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam có xu hướng phục hồi rất tích cực, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn. Tuy nhiên, VEPR cho rằng những khó khăn, thách thức phải đối mặt cũng rất lớn.
Thách thức lớn nhất là cân bằng giữa mục tiêu ổn định vĩ mô, ổn định giá cả, kìm chế lạm phát với các mục tiêu duy trì tăng trưởng.
Bất ổn địa chính trị toàn cầu, các quốc gia hiện thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất dẫn đến các khó khăn cho sản xuất lẫn tiêu dùng do đó có nguy cơ dẫn đến mất việc làm, giảm đầu tư và rơi vào vòng xoáy suy thoái kinh tế.
Giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng khó dự báo; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung, chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng…, tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.
Điều hành tăng trưởng tín dụng chịu sức ép lớn để kiềm chế lạm phát, nhu cầu vay vốn để phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh tăng cao, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn trong tiếp cận vốn vay.
Xuất khẩu đối mặt với thách thức không nhỏ, thị trường bị thu hẹp khi kinh tế Mỹ và nhiều nước phát triển có nguy cơ rơi vào suy thoái; số đơn hàng dệt may, gỗ, thủy sản… đi Mỹ và EU có dấu hiệu suy giảm; tồn kho gia tăng.
Mặc dù hiện tại lạm phát vẫn chưa phải là vấn đề quá lớn, nhưng áp lực lạm phát đã được cảm nhận rõ hơn và sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm.
Theo VEPR, căng thẳng chính trị tại Ukraine vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với lạm phát và giá cả hàng hóa của Việt Nam, nhưng xu hướng thắt chắt thặt tiền tệ toàn cầu có thể giúp giảm nhẹ áp lực lạm phát từ bên ngoài.
Trong khi đó chính sách Zero COVID tại Trung Quốc kéo dài sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề lạm phát toàn cầu.
Tuy nhiên, áp lực lạm phát dự báo có thể giảm bớt trong các tháng cuối năm 2022 nếu giá dầu và giá lương thực thế giới giảm, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu được cải thiện.
Tổng hợp tác động của các yếu tố cả trong và ngoài nước, VEPR dự báo lạm phát trong nước năm 2022 sẽ ở mức 3,5-3,8%.
Một điểm khác mà VEPR nhấn mạnh là Việt Nam phải cố gắng duy trì sức mạnh đồng Việt Nam so với USD, bên cạnh việc hỗ trợ đảm bảo kiềm chế lạm phát.
Theo đó, NHNN đã bán ra một lượng lớn ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối từ đầu năm đến nay. Hiện dự trữ ngoại hối còn khoảng 97,7 tỷ USD. Con số này giảm đáng kể so với mức kỷ lục 110 tỷ USD (theo HSBC).
Với những động thái can thiệp mạnh mẽ của NHNN, VND nhìn chung vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực.
Đồng tiền Việt Nam trong thời gian qua còn được hỗ trợ mạnh mẽ nhờ cán cân thượng mại liên tục ở mức thặng dư khá cao những tháng vừa qua và đã lên tới 5,49 tỷ trên tổng giá trị xuất nhập khẩu 499,71 tỷ USD vào tháng 8 năm 2022.
Trong quý 3/2022, tất cả lãi suất: điều hành, tín phiếu, OMO đều đang được đẩy lên rất cao làm chi phí vốn đầu vào của các ngân hàng thương mại bị đội lên khiến cho các ngân hàng phải gia tăng lãi suất huy động để có thêm vốn. Ngày 07/9/2022, lãi suất tín phiếu đã tăng mạnh lên 4% (đầu tháng 9 là 2.5%) cùng với đó, số lượng tín phiếu vẫn bán ra ồ ạt với lãi suất cao.
Theo VEPR, đây được coi là tín hiệu điều hành tăng lãi suất của NHNN nhằm chống lạm phát là rất rõ ràng.