Xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng cho kỷ nguyên AI: Cơ hội, thách thức của Việt Nam
Nâng cao kỹ năng số có thể mang lại 27,6 tỷ USD cho nền kinh tế Việt Nam vào năm 2030 |
Làm thế nào để xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng ứng dụng AI?
Theo tài liệu “An AI Opportunity Agenda for Vietnam” của Google, trí tuệ nhân tạo (AI) mở ra những cơ hội to lớn để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển thông qua việc tăng năng suất. Việt Nam cũng đặt mục tiêu trang bị, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động của mình cho kỷ nguyên AI. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng gần đây đã phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN tại Hà Nội rằng: “Tương lai của ASEAN là tương lai số. Chúng ta cần xây dựng thể chế số mới, hạ tầng số mới và nhân lực số mới”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một dự án sắp tới nhằm phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn của Việt Nam, với mục tiêu đào tạo 5.000 kỹ sư có chuyên môn sâu về AI vào năm 2030.
Xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng ứng dụng AI là đầu tư vào con người để đảm bảo họ có thể sử dụng và hưởng lợi từ AI. |
Xây dựng lực lượng lao động AI lành nghề rất quan trọng để đảm bảo rằng Việt Nam đáp ứng được nhu cầu về nhân sự đủ trình độ và kỹ năng để điều hành, quản lý các dự án AI. Theo báo cáo gần đây của Salesforce (hãng phần mềm có trụ sở tại Mỹ), việc giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân tài AI đặc biệt quan trọng để tăng khả năng cạnh tranh của ngành AI của Việt Nam trong khu vực.
Nhưng AI cũng đặt ra những thách thức mới cho lực lượng lao động của Việt Nam. Khảo sát lực lượng lao động toàn cầu năm 2023 của PricewaterhouseCoopers (PwC - 1 trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay) cho thấy rằng phần lớn người lao động tại Việt Nam đều có thái độ tích cực về các cơ hội và lợi ích mà AI có thể mang lại, với 60% đồng ý rằng AI có thể cải thiện năng suất làm việc của họ và 58% tin rằng AI mở ra cơ hội để học các kỹ năng mới. Tuy nhiên, vẫn có mối những lo ngại rằng AI có thể dẫn đến tình trạng mất việc làm ở một số lĩnh vực nhất định.
Vậy làm thế nào để trang bị kỹ năng cho lực lượng lao động khai thác tiềm năng của AI, giúp họ nâng cao trình độ chuyên môn, trở nên năng suất và có giá trị hơn?
Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài trong lĩnh vực AI. Một báo cáo của nền tảng việc làm công nghệ thông tin TopDev đã xác định khoảng cách đáng kể giữa trình độ kỹ năng và yêu cầu thị trường đối với các công việc công nghệ thông tin tại Việt Nam, vốn có liên quan chặt chẽ đến AI. Báo cáo ước tính nước ta thiếu hụt hàng năm khoảng 150.000-200.000 lập trình viên và kỹ sư.
Ngoài việc thu hẹp khoảng cách kỹ năng số, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng các chương trình nâng cao và đào tạo lại kỹ năng AI mang tính toàn diện và bền vững.
Điều quan trọng là phải hiểu AI vừa giống vừa khác với các làn sóng công nghệ trước đây. Nghiên cứu ban đầu chỉ ra rằng AI tạo sinh có thể giúp nâng cao một số kỹ năng nhất định, tăng năng suất lao động, tạo ra các nghề nghiệp mới và dân chủ hóa quyền tiếp cận các nghề nghiệp có mức lương cao hơn. Nhưng vì AI tạo sinh có thể tự động hóa các nhiệm vụ nhận thức không theo thói quen nên nó có thể tác động đến nhiều công việc và nghề nghiệp hơn so với các công nghệ trước đây.
Chúng ta vẫn đang trong quá trình tìm hiểu những loại kỹ năng mới phục vụ cho công việc có sự hỗ trợ của AI. Và còn những câu hỏi chưa có lời giải khác về tác động của AI đối với công việc cần được nghiên cứu thêm, chẳng hạn như cách AI có thể được sử dụng tốt nhất để hỗ trợ đào tạo lại kỹ năng và cách giảm thiểu rủi ro “suy giảm kỹ năng” khi một công việc trước đây đã được tự động hóa.
Để phát triển trong kỷ nguyên AI, điều quan trọng là người lao động phải xây dựng một bộ kỹ năng bền vững hơn với các năng lực rộng hơn và cơ bản hơn. Điều này đòi hỏi phải cập nhật và điều chỉnh các chương trình đào tạo kỹ năng trên khắp các lĩnh vực và xây dựng các quan hệ đối tác công tư mới để mở rộng quy mô các chương trình này nhằm tiếp cận tất cả người lao động.
Để khai thác tối đa tiềm năng chuyển đổi của AI, Việt Nam cần tập trung vào việc giữ chân và phát triển tài năng trong nước bằng cách mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục số và đẩy mạnh triển khai các chương trình đào tạo doanh nghiệp.
Khảo sát của Reeracoen cho thấy, sau mối quan tâm hàng đầu về mức lương và chế độ phúc lợi, người lao động Việt Nam ưu tiên phát triển sự nghiệp và nâng cao kỹ năng. Khi doanh nghiệp chú trọng vào đào tạo và phát triển nhân viên, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong toàn công ty, nhân viên có xu hướng gắn bó lâu dài hơn. “Chiến lược phát triển tài năng số” của FPT cho thấy sự gắn bó và tỷ lệ giữ chân nhân viên đã tăng hơn 20% ở những doanh nghiệp tích cực xây dựng lực lượng lao động số.
Để phát triển lực lượng lao động số, Việt Nam cần quan tâm đến 3 lĩnh vực chính gồm: Học tập cá nhân hóa - sử dụng các công cụ có tích hợp AI để điều chỉnh quá trình giảng dạy theo nhu cầu và mục tiêu của từng người; Chương trình đào tạo nhắc lại - tăng cường sự linh hoạt và năng suất của lực lượng lao động, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm mới; Cổng thông tin việc làm trực tuyến và các nền tảng số khác - kết nối nhanh chóng và hiệu quả hơn giữa nhà tuyển dụng và ứng viên.
Tốm lại, xây dựng lực lượng lao động sẵn sàng ứng dụng AI là đầu tư vào con người để đảm bảo họ có thể sử dụng và hưởng lợi từ AI, từ đối tượng là sinh viên đến người lao động trong doanh nghiệp nhỏ đến các tập đoàn lớn.
Xây dựng lực lượng lao động được trang bị AI đòi hỏi tầm nhìn và trách nhiệm chung của chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng nghiên cứu Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc phát triển các chương trình đào tạo kỹ năng mới tập trung vào AI. Nhưng xét đến tác động chuyển đổi của AI trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, những nỗ lực của từng doanh nghiệp sẽ không đủ. Các công ty sẽ cần phải thiết lập các quan hệ đối tác đào tạo AI liên ngành mới để đảm bảo người lao động trong mọi ngành công nghiệp đều sẵn sàng khai thác AI. Các nhà khoa học, tổ chức cần thúc đẩy nghiên cứu mới nhằm nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục AI của cộng đồng, định hướng cho trọng tâm của các chương trình xây dựng, đào tạo lực lượng lao động AI phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Và quan trọng nhất, chính phủ phải giúp mở rộng quy mô các chương trình đào tạo để AI tiếp cận được tất cả các cộng đồng, đồng thời thu hút và đào tạo lại những người lao động bị ảnh hưởng bởi AI để họ có thể nhanh chóng quay trở lại với những công việc mới và tốt hơn. Mục tiêu của tất cả những nỗ lực này là đảm bảo rằng AI dân chủ hóa khả năng tiếp cận các kỹ năng và chuyên môn và tạo ra cơ hội cho tất cả người lao động. |
Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) là yêu cầu ... |
Cơ hội và thách thức cho ngành Ngân hàng trong kỷ nguyên dữ liệu và trí tuệ nhân tạo Hiện nay, việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu trong hoạt động ngân hàng góp phần mang ... |
10 xu hướng công nghệ chiến lược định hình tương lai của doanh nghiệp Theo công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Gartner (Mỹ), hiện nay, việc xây dựng chiến lược sử dụng công nghệ một cách ... |