10 xu hướng công nghệ chiến lược định hình tương lai của doanh nghiệp |
Lợi ích kinh tế từ AI đối với Việt Nam có thể lên tới 79,3 tỷ USD vào năm 2030
Google vừa công bố Báo cáo “Tác động kinh tế: Thúc đẩy tăng trưởng số tại Việt Nam cùng Google” (“Economic impact report: Driving digital growth in Vietnam with Google”) do Access Partnership thực hiện.
Theo Báo cáo, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang ở vị thế thuận lợi để đón nhận những cơ hội kinh tế lớn, bao gồm việc tăng năng suất và mở rộng sang các thị trường mới nhờ ứng dụng các sản phẩm và giải pháp có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI).
Khảo sát gần đây của Access Partnership cho thấy Việt Nam có khả năng khai thác tốt những lợi ích này, khi 70% người lao động Việt Nam sử dụng Internet đã áp dụng các công cụ AI tạo sinh vào công việc, và thêm 11% số người lao động dự kiến sẽ áp dụng trong thời gian tới.
Dự kiến, các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ thu được lợi ích kinh tế lên tới 1.890 nghìn tỷ VNĐ (tương đương 79,3 tỷ USD) vào năm 2030, nếu áp dụng các sản phẩm và giải pháp có tích hợp AI.
Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đón nhận những cơ hội kinh tế lớn nhờ ứng dụng các sản phẩm và giải pháp tích hợp AI. Ảnh minh họa |
Để nắm bắt cơ hội từ AI, Việt Nam cần giải quyết khoảng cách về kỹ năng số. Các công nghệ số như AI có thể hỗ trợ quá trình trên thông qua việc cung cấp các nền tảng học tập được cá nhân hóa và hệ thống giảng dạy thông minh có tích hợp AI. Dự kiến, việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng số thông qua đào tạo và tăng cường ứng dụng công nghệ giáo dục sẽ mang lại thêm 658,6 nghìn tỷ VNĐ vào GDP hàng năm (tương đương 27,6 tỷ USD) cho nền kinh tế Việt Nam vào năm 2030.
Với tỷ lệ sử dụng Internet cao và ngày càng tăng, dân số trẻ và đông đảo cùng sự bùng nổ của nền kinh tế số, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để khai thác lợi ích từ nền kinh tế số. Để tận dụng tối đa cơ hội mà AI mang lại và thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn, Việt Nam cần thực hiện các bước sau:
Thứ nhất, đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật chất lượng cho đổi mới sáng tạo dựa trên AI;
Thứ hai, thúc đẩy áp dụng và tiếp cận AI một cách toàn diện trong toàn bộ nền kinh tế;
Thứ ba, đầu tư vào công tác nâng cao kỹ năng số, đặc biệt là xây dựng năng lực liên quan đến AI, để khai thác hiệu quả các công nghệ AI.
Doanh nghiệp tại Việt Nam đang tích cực đón nhận các công nghệ mới. Ví dụ: đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính, AI đã được ứng dụng trong các quy trình nhận dạng, bảo mật và phòng chống gian lận tại nhiều tổ chức. Theo khảo sát của công ty dịch vụ tài chính Finastra vào năm 2023, 44% tổ chức tài chính tại Việt Nam đã xây dựng các sáng kiến để triển khai hoặc nâng cấp công nghệ AI trong 12 tháng qua.
Thêm vào đó, công nghệ AI của Việt Nam đang ngày càng thu hút các nhà đầu tư, điều này được thể hiện qua mức gia tăng giá trị đầu tư mạo hiểm vào các công nghệ AI của Việt Nam trong giai đoạn 2017-2023. Điều này không chỉ phản ánh mức độ quan tâm lớn của các doanh nghiệp trong việc áp dụng các công cụ có tích hợp AI, mà còn cho thấy tiềm năng mà các nhà đầu tư nhìn thấy trong đổi mới sáng tạo liên quan đến AI tại Việt Nam.
Ngoài việc các doanh nghiệp tiếp nhận tích cực công cụ có tích hợp AI, môi trường thuận lợi này còn được hỗ trợ bởi các chính sách của Chính phủ, như Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (2021-2030). Chiến lược trên nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu về đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng các giải pháp AI vào năm 2030. Có thể thấy, Chính phủ cũng đang tập trung vào việc khai thác lợi ích của AI cho tương lai của Việt Nam.
Xây dựng và phát triển lực lượng lao động thành thạo kỹ thuật số để thúc đẩy kinh tế
Theo một khảo sát do Access Partnership thực hiện, 70% số nhân viên sử dụng Internet cho biết họ đang áp dụng các công cụ AI vào công việc. Trong đó, 54% cho rằng AI nâng cao hiệu suất và cải thiện chất lượng công việc trong các lĩnh vực như viết lách, thiết kế và phát triển ý tưởng, 45% sử dụng AI để tự động hóa các đầu việc thường nhật, giúp họ có thêm thời gian tập trung vào các nhiệm vụ chiến lược hơn.
Khả năng khai thác tối đa lợi ích từ AI của Việt Nam phụ thuộc vào việc nhanh chóng thiết lập lực lượng lao động số. Hiện tại, nhu cầu cao về nhân lực công nghệ gặp phải sự thiếu hụt nguồn cung, với hơn 150.000 vị trí trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) chưa được đáp ứng.
Điều này cản trở việc áp dụng AI trên diện rộng, khi các doanh nghiệp phải đối mặt với thách thức trong việc tìm kiếm những chuyên gia công nghệ có đủ kỹ năng để phát triển, triển khai và duy trì các giải pháp AI.
Đặc biệt, các nhà tuyển dụng đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng chuyên gia an ninh mạng, khi 76% các doanh nghiệp và tổ chức cho biết tình trạng thiếu hụt nhân sự bảo mật thông tin vào năm 2022. Những chuyên gia này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu, mà còn giúp tạo dựng một môi trường tin cậy cho người tiêu dùng, khiến họ an tâm khi sử dụng các công cụ kỹ thuật số, bao gồm cả AI.
Để khai thác tối đa tiềm năng chuyển đổi của AI, Việt Nam cần tập trung vào việc giữ chân và phát triển tài năng trong nước bằng cách mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục số và đẩy mạnh triển khai các chương trình đào tạo doanh nghiệp.
Nghiên cứu cho thấy người lao động Việt Nam ưu tiên phát triển sự nghiệp và nâng cao kỹ năng, chỉ đứng sau mức lương và chế độ phúc lợi. Khi doanh nghiệp chú trọng vào đào tạo và phát triển nhân viên, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong toàn công ty, nhân viên có xu hướng gắn bó lâu dài hơn. Một nghiên cứu gần đây của FPT cho thấy sự gắn bó và tỷ lệ giữ chân nhân viên đã tăng hơn 20% ở những doanh nghiệp tích cực xây dựng lực lượng lao động số.
3 lĩnh vực chính trong việc phát triển lực lượng lao động số tại Việt Nam gồm:
Học tập cá nhân hóa: Việc sử dụng các công cụ có tích hợp AI như gia sư ảo và game hóa (trò chơi hóa) giúp điều chỉnh quá trình giảng dạy theo nhu cầu và mục tiêu của từng học sinh. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả học tập mà còn mở rộng cơ hội việc làm. Chúng tôi đã đo lường lợi ích từ việc gia tăng cơ hội việc làm nhờ áp dụng giáo dục cá nhân hóa.
Chương trình đào tạo nhắc lại qua hình thức trực tuyến và trực tiếp: Các chương trình đào tạo này giúp nâng cao kỹ năng cho người lao động, từ đó tăng cường sự linh hoạt và năng suất của lực lượng lao động, đồng thời mở ra nhiều cơ hội việc làm mới. Chúng tôi đã đo lường lợi ích từ việc gia tăng cơ hội việc làm thông qua các chương trình đào tạo nhắc lại.
Cổng thông tin việc làm trực tuyến và các nền tảng số khác: Nhờ vào sự hỗ trợ của AI với các gợi ý cá nhân hóa dựa trên kỹ năng và mục tiêu nghề nghiệp, những nền tảng này giúp kết nối nhanh chóng và hiệu quả hơn giữa nhà tuyển dụng và ứng viên. Chúng tôi đã đo lường lợi ích từ việc gia tăng cơ hội việc làm thông qua các nền tảng việc làm trực tuyến.
Để tối đa hóa lợi ích kinh tế từ AI, Việt Nam cần ưu tiên phát triển lực lượng lao động số. Việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng số thông qua đào tạo chuyên sâu và ứng dụng công nghệ sẽ mở ra tiềm năng kinh tế lớn cho đất nước.
Giải pháp ứng dụng thành công AI trong nông nghiệp Tại Hội thảo "Ứng dụng công nghệ AI trong nâng cao năng suất nông nghiệp" do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ... |
Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và AI là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI) là yêu cầu ... |
Cơ hội và thách thức cho ngành Ngân hàng trong kỷ nguyên dữ liệu và trí tuệ nhân tạo Hiện nay, việc áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu trong hoạt động ngân hàng góp phần mang ... |