Ngân hàng đang khai thác "mùa vàng" bảo hiểm như thế nào? |
Việc phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) hiện nay đã trở nên phổ biến. Không thể phủ nhận bancassurance đã mang lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng cho các nhà băng tại Việt Nam. Tuy nhiên, chính điều này đã trở thành nhược điểm khi các nhân viên ngân hàng bị cuốn vào đường "đua" chạy theo chỉ tiêu, lợi nhuận.
Từ đó xảy ra câu chuyện "lùm xùm" khi khách hàng đến một số tổ chức tín dụng gửi tiết kiệm bỗng khoản tiền của mình biến thành hợp đồng bảo hiểm hay đi vay vốn khách bị nhân viên nhà băng "ép khéo" mua bảo hiểm nhân thọ.
Trao đổi với Nhịp sống Doanh nghiệp về vấn đề này, ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho biết, thời gian gần đây có sự biến tướng khi khách hàng gửi tiết kiệm, vay vốn tại ngân hàng bị "lừa" mua bảo hiểm nhân thọ. Nhiều vụ việc được dư luận phản ánh và cơ quan nhà nước đã vào cuộc rất quyết liệt.
Ông Dũng cho rằng, chính cơ quan quản lý nhà nước sẽ thay đổi được tận gốc của vấn đề. Đó là việc Bộ Tài chính đề xuất quy định, yêu cầu ngân hàng bán bảo hiểm phải ghi âm, lưu lại 5 năm toàn bộ nội dung đã tư vấn cho khách hàng. Đồng thời, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã cung cấp đường dây nóng để xử lý thông tin và giải quyết vấn đề. Từ đó, khi làm việc qua kênh ngân hàng thấy mình bị ép mua bảo hiểm khách hàng có quyền phản ánh.
"Tôi tin rằng những điều trên sẽ giải quyết được vấn đề tư vấn sai, lừa dối khách hàng vì có bằng chứng. Khi xảy ra câu chuyện tranh chấp sẽ có bằng chứng để xem xét việc tư vấn có đầy đủ hay không", ông Dũng nói thêm.
Ông Ngô Trung Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) |
Từ đó, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đưa ra một số đề xuất giải pháp cụ thể. Theo ông Dũng, cần phải kiểm soát tỷ lệ duy trì hợp đồng khách hàng mua bảo hiểm tại ngân hàng. Lý do bởi nhiều trường hợp khi vay vốn bị ép mua bảo hiểm, sau đó họ huỷ ngay vì thực sự không có nhu cầu.
"Phải đưa tiêu chí kiểm tra giám sát chất lượng của hoạt động kinh doanh bancassurance, chỉ tiêu tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm đến năm thứ 2 (tỷ lệ K2). Khi tỷ lệ thấp một cách bất thường thì sẽ thể hiện việc khách hàng bị ép mua bảo hiểm, không tự nguyện hoặc ngân hàng có chiêu trò mua bao hiểm được giảm lãi suất cho vay, nhưng không nói cho khách hàng rằng những năm tiếp theo họ vẫn phải đóng tiền".
Qua đó, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nghiên cứu áp tỷ lệ duy trì hợp đồng K2 và ngân hàng thương mại nào bán bảo hiểm có tỷ lệ K2 thấp hơn mức chuẩn Nhà nước nghiên cứu đặt ra cụ thể sẽ có sự cảnh báo. Nếu không đảm bảo cải thiện tỷ lệ này có thể sẽ có cách xử lý như hạn chế tăng trưởng kinh doanh bancassurance. Thậm chí không cho bán bảo hiểm qua ngân hàng nữa để củng cố lại.
Theo ông Dũng, thời gian đầu người dân nhầm lẫn bảo hiểm nhân thọ với bán hàng đa cấp. Thực ra khác nhau hoàn toàn, bảo hiểm nhân thọ được kiểm soát rất chặt chẽ bởi nhà nước về sản phẩm, mức hoa hồng, tổ chức bộ máy bán hàng... Phí bảo hiểm, điều kiện điều khoản bảo hiểm đều do Bộ Tài chính phê duyệt trước khi doanh nghiệp bán ra thị trường, hoa hồng cũng theo quy định của Bộ Tài chính mức cố định bắt buộc.
Nhầm lẫn thứ hai phải kể đến là người dân nghĩ rằng bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm vạn năng cứ có rủi ro, sự kiện xảy ra là đều nhận được quyền lợi bảo hiểm. Thực ra bảo hiểm nhân thọ cũng có những rủi ro loại trừ không được hưởng quyền lợi bảo hiểm. Vì vậy, người dân phải đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm.
Thứ ba là hiểu lầm về quyền và trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm, vì không đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm nên đôi khi khách hàng không hiểu quyền và trách nhiệm của mình. Ví dụ như trách nhiệm kê khai thông tin một cách trung thực tuyệt đối như về sức khoẻ, tiền sử bệnh... Đây đều là những thông tin trọng yếu, có thể dẫn đến quyết định từ chối chi trả hay đình chỉ hợp đồng bảo hiểm.
Người dân còn nhiều định kiến với bảo hiểm nhân thọ |
Chỉ ra nguyên nhân cụ thể dẫn đến người dân có những định kiến với bảo hiểm nhân thọ, theo Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đầu tiên phải tính đến yếu tố nhân viên tư vấn không đầy đủ, thứ hai nhận thức của khách hàng về quyền lợi và trách nhiệm khi tham gia bảo hiểm.
"Khi tham gia hợp đồng bảo hiểm phí đóng vài chục triệu một năm những nhiều khách hàng không dành thời gian đọc hợp đồng. Trong khi trong hợp đồng sẽ ghi rất rõ quyền lời và trách nhiệm của họ như thế nào. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm khách hàng phải làm gì. Tiếp đó, sản phẩm bảo hiểm có liên quan đến cả tiết kiệm và đầu tư thì khả năng tài chính của mình thế nào. Từ đó, tham gia sản phẩm đúng và đủ", ông Dũng chia sẻ.
Ngoài ra, khách hàng xác định nhu cầu bảo hiểm của mình rồi thì sau đó đọc hợp đồng điều gì chưa hiểu phải yêu cầu nhân viên tư vấn giải đáp ngay. Đặc biệt, khi ký hợp đồng xong rồi khách hàng vẫn còn lăn tăn hoàn toàn có thể gọi điện đến tổng đài và doanh nghiệp bán bảo hiểm để hỏi thêm. Trong vòng 21 ngày ký hợp đồng khách hàng có quyền cân nhắc và hoàn toàn có quyền chấm dứt hợp đồng và được hoàn trả phí bảo hiểm đã đóng.
Ông Dũng đưa ra lời khuyên, phía người dân khi được tư vấn, gợi ý tham gia bảo hiểm thì khách hàng phải có hai điều phải nghĩ trong đầu là mình cần bảo vệ điều gì (bảo vệ sức khoẻ hay nhu cầu đầu tư nhiều hơn). Sau khi xác định được, người dân trao đổi với nhân viên tư vấn để lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp với thu nhập, điều kiện tài chính gia đình.
Có hai nội dung quan trọng mà khách hàng bắt buộc phải nắm, đó là nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm và những điểm loại trừ trong hợp đồng. Trường hợp nếu cảm thấy đại lý chưa tư vấn kỹ về những nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm hay điểm loại trừ, người mua phải yêu cầu tư vấn các nội dung này và đọc thật kỹ. Đồng thời, người dân luôn luôn nhớ rằng có "đặc quyền 21 ngày" cân nhắc, hoàn toàn có quyền chấm dứt hợp đồng và được hoàn trả phí bảo hiểm đã đóng.
Lưu ý, không để nhân viên kê khai thay và ký thay khách hàng vì điều này sai hoàn toàn quy định. Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm hay câu chuyện liên quan đến pháp luật thì khách hàng sẽ gặp bất lợi nhất định.
Đánh giá về triển vọng phát triển thị trường bảo hiểm, ông Dũng nhận định, dư địa phát triển thị trường bảo hiểm nhân thọ còn rất lớn thể hiện qua tỷ lệ người dân Việt Nam tham gia bảo hiểm chỉ khoảng chưa đến 11%, số hợp đồng hơn 13 triệu, trong đó một người có 2 - 3 hợp đồng.
Để phát triển thị trường bảo hiểm, ngoài tuyên truyền để người dân hiểu hơn về bảo hiểm nhân thọ, còn cần giải pháp về cơ chế chính sách. Việc luật kinh doanh bảo hiểm mới được ban hành cũng quy định cụ thể hơn rõ ràng hơn trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm và có xu hướng bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, đáp ứng của doanh nghiệp bảo hiểm bằng việc phát triển sản phẩm mới, kênh phân phối mới, trong luật kinh doanh bảo hiểm cũng có nhiều điểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tin rằng thời gian tới thị trường thị trường bảo hiểm sẽ phát triển nhờ những yếu tố thuận lợi trên. Đáng chú ý, tại Việt Nam tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh trong xã hội. Đồng thời, nước ta bước qua giai đoạn dân số vàng đến giai đoạn có nhiều người cao tuổi sẽ là đối tượng rất cần được bảo hiểm.
Nhận diện 4 bất cập khi phát triển kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng quá nóng |