Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. |
Tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cải cách tiền lương là một cú hích cho thị trường lao động, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa. Vì vậy, phải sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương một cách căn bản trong năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, đây là cải cách căn cơ chính sách tiền lương, không phải tăng lương bình thường định kỳ. Nếu không có gì thay đổi, thời điểm cả nước có thể thực hiện chính sách tiền lương mới là từ 1/7/2024.
“Các cơ quan đang tích cực chuẩn bị về nguồn lực, thể chế, chính sách thang bảng lương... để thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương”, chủ tịch Quốc Hội nói thêm.
Trước đó, theo Đề án cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ đã đề xuất xóa bỏ tiền lương cơ sở. Theo đó, lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ được thiết kế gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).
Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Bên cạnh đó, đề án cải cách tiền lương xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng, gồm: Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.
Điểm mới khi cải cách tiền lương là xác định vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc sử dụng quỹ tiền lương.
Theo đó, người đứng đầu được sử dụng kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao.