Chuyên gia giải đáp về việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Hình ảnh trong buổi giao lưu trực tuyến. Nguồn: BHXH Việt Nam. |
Ngày 24/11, BHXH Việt Nam tổ chức Giao lưu trực tuyến với bạn đọc về chính sách BHXH, BHYT trên Cổng TTĐT BHXH Việt Nam nhằm kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin, giải đáp thắc mắc của các tổ chức, cá nhân trên cả nước về chính sách BHXH, BHYT.
Tại chương trình, câu hỏi của người lao động về chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp được nhiều người quan tâm. Cụ thể, người lao động hỏi: “Trước đây tôi đã hưởng thất nghiệp 1 lần và rút BHXH 1 lần. Sau đó tôi có nhận được sổ BHXH trả về kèm 1 tờ quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp. Trên đó có ghi tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng là 6 tháng. Vậy xin hỏi tôi vẫn được hưởng tiếp bảo hiểm thất nghiệp nữa phải không?".
Về nội dung này, BHXH Việt Nam trả lời:
Thời gian đóng nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp
Tại khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm quy định: "Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp để xét hưởng bảo hiểm thất nghiệp là tổng các khoảng thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp".
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm và văn bản hướng dẫn thì người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây: (a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật; (b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b Khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;
Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;
Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; tử vong.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP thì người lao động được xác định là đang đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
- Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội;
- Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận trên sổ bảo hiểm xã hội.
Như vậy, nếu hiện tại tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động là 6 tháng thì người lao động không đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định nêu trên. Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động được bảo lưu, cộng dồn làm căn cứ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng tiếp theo khi người lao động đáp ứng đủ điều kiện.
Cũng về vấn đề rút BHXH 1 lần, người lao động hỏi: "Em đã đóng bảo hiểm xã hội và bây giờ em muốn hưởng chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần. Hơn 3 năm nay em không đi làm và không tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian sắp tới em có đự định đi lao động xuất khẩu ở nước ngoài. Em có dự định tới BHXH thành phố Thuận An, Bình Dương nộp hồ sơ hưởng chế độ BHXH 1 lần. Anh chị cho em hỏi khi hồ sơ em hợp lệ từ lúc em nộp hồ sơ (hồ sơ hợp lệ) tới lúc em nhận được tiền là bao nhiêu ngày ạ? Và quy trình giải quyết hồ sơ này là theo quy định của BHXH Việt Nam hay theo từng địa phương ạ?".
BHXH Việt Nam trả lời:
Tại Khoản 4, Điều 110 Luật BHXH năm 2014 về giải quyết hưởng lương hưu, BHXH một lần quy định như sau:
Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người hưởng lương hưu hoặc trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp hưởng BHXH một lần, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với người hưởng lương hưu hoặc trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định đối với trường hợp hưởng BHXH một lần, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả cho bạn; trường hợp không giải quyết thì sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Rút BHXH 1 lần đang là vấn đề gây "nóng" trong thời gian qua. Bàn về vấn đề này, ông André Gama - Giám đốc Chương trình An sinh xã hội của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam trong cuộc hội thảo do Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức hồi giữa tháng 7 cho biết, trên thế giới cũng có nước cho phép rút BHXH 1 lần như Việt Nam, tuy nhiên, chưa có quốc gia nào đã cho rút rồi sau đó thay đổi, không cho rút nữa. Ông André Gama nhận định, nếu thay đổi quy định về rút BHXH 1 lần ngay có thể gây bất ổn. Vì thế, việc điều chỉnh chính sách rút BHXH 1 lần cần có lộ trình cụ thể, từng bước giảm số tiền được rút BHXH 1 lần. Song song đó, Việt Nam cần tăng cường những chính sách để hỗ trợ người lao động, khuyến khích người lao động không rút. |
Cơ cấu tham gia bảo hiểm của người lao động ở nước ta tính đến ngày 31/10/2023. Đồ hoạ: Minh Nguyệt. |
Người lao động mất 4 quyền lợi này nếu rút BHXH 1 lần Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, bên cạnh có được khoản "tiền tươi" chi tiêu, trang trải cuộc sống khi rút BHXH 1 ... |
Giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm sẽ hấp dẫn người lao động hơn Việc điều chỉnh giảm thời gian tham gia BHXH xuống 15 năm nhận lương hưu sẽ giúp tỷ lệ bao phủ đối tượng thụ hưởng ... |
Đề xuất mở rộng thêm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc Một trong những nội dung lớn của dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) được đưa ra lấy ý kiến đó là đề xuất ... |