Hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý KCN, KKT là vấn đề bức thiết |
Ngày 4/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022. Tại hội thảo công bố báo cáo, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật ở nước ta có 5 “dòng chảy” chính. Thứ nhất các chính sách ứng phó với tác đông thế giới khá hợp lý có thể kể đến như cắt giảm các loại thuế, giảm giá xăng dầu. Thứ hai là chính sách hỗ trợ phục hồi sau đại dịch giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn như giảm thuế GTGT, hoãn giãn thuế, gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp.
Thứ ba, chính sách liên quan nền tảng số được hoàn thiện. Thứ tư, hoạt động cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ tiếp tục được thúc đẩy, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Thế nhưng cũng còn nhiều băn khoăn về tính thực chất như quy định PCCC cứng nhắc... Thứ năm, các chính sách giải quyết vấn đề "nóng" còn lúng túng.
Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp chế, Ban Pháp chế (VCCI) thông tin, để doanh nghiệp đầu tư dài, đầu tư lớn thì họ cần dự báo được sự thay đổi của quy định pháp luật. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân đang lo ngại rủi ro pháp lý.
Cụ thể, đối với câu hỏi về tính dự đoán được của việc thực thi pháp luật, tỷ lệ doanh nghiệp luôn luôn hoặc thường xuyên dự đoán được cũng có chiều hướng giảm. Nếu như năm 2014, có 8,27% doanh nghiệp dự đoán được việc thực hiện của chính quyền địa phương đối với quy định pháp luật Nhà nước, đến năm 2020 chỉ còn 5,56%.
![]() |
Hội thảo công bố báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022. |
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng, năm 2022 là một năm đỉnh điểm của việc hoàn chỉnh, sửa đổi biên soạn lại hệ thống luật pháp của nước ta. Dẫn chứng là hàng loạt các luật tác động trực tiếp vào sự phát triển kinh tế được chỉnh sửa, biên soạn lại như: Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ người tiêu dùng…
Từ đó có thể thấy, lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nhìn thấy rõ sự bất cập, cản trở của hàng rào pháp lý đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng.
Trong đó, lĩnh vực đầu tư bất động sản có khoảng 12 luật tác động trực tiếp vào các hoạt động trong lĩnh vực này. Vấn đề là các luật lại đưa ra những ý kiến xử lý không đồng nhất nên các dự án, các doanh nghiệp và các cơ quan hành pháp thụ lý gặp khó: không biết phải xử lý thế nào trong những trường hợp chồng chéo này.
![]() |
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) |
Ông Hiệp ví dụ: "Luật Quy hoạch đô thị thì quy định dự án phải được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mới tiến hành làm quy hoạch và xin phê duyệt trong khi Luật Đầu tư 2020 lại quy định dự án muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có quy hoạch chi tiết được phê duyệt. Như vậy chỉ một vấn đề liên quan đến hai luật này đã không thống nhất: không biết con gà có trước hay quả trứng có trước".
Từ đó, ông Hiệp đề xuất trong lần rà soát, chỉnh sửa lại một loạt các luật quan trọng phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật liên quan đến cùng một vấn đề là rất quan trọng để tháo gỡ cho các doanh nghiệp cũng như việc xử lý cụ thể của các cơ quan thừa hành pháp luật. Đồng thời, công tác rà soát, thông qua của cơ quan chuyên trách rất cần những chuyên gia thành thạo về pháp lý, nắm vững nội dung của các luật liên quan để tham mưu cho Quốc hội trong quá trình phê duyệt tránh sự mâu thuẫn chồng chéo.
Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) đánh giá, khi hệ thống pháp luật hoàn chỉnh sẽ hỗ trợ cho toàn xã hội phát triển một cách bình đẳng – kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ để đưa nước ta thành một nước phát triển, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt mức khá ở năm 2040.
Hiện nay liên quan đến đầu tư bất động sản mật thiết nhất là các Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở. Các luật này dự kiến được thông qua trong năm 2023 và sẽ có hiệu lực trong năm 2024. Đây là những đạo luật có tác động tạo ra lực đẩy cho thị trường bất động sản về mặt hành lang pháp lý. Chính vì vậy sự phát triển của thị trường thời gian tới sẽ là hàn thử biểu để đo xem hành lang pháp lý đã phù hợp đến mức nào?
Ngoài ra cũng phải thấy là tính ổn định của hệ thống pháp luật cũng sẽ tác động mạnh mẽ tới việc khuyến khích các dự án lớn yên tâm đầu tư. Mặt khác, hệ thống luật cần cố gắng cụ thể và chi tiết hoá để giảm bớt hệ thống nghị định, thông tư hướng dẫn.
![]() |