Theo Công an TP. Hà Nội khuyến cáo, lực lượng chức năng của Công an Thành phố phát hiện một số quảng cáo được đăng tải trên các trang mạng xã hội về việc đi lao động tại Canada hoặc Đức. Theo nội dung giới thiệu, người lao động có nhu cầu sẽ gửi thông tin cho công ty cùng số tiền cọc khoảng 3.000 USD để làm hồ sơ thủ tục.
Sau đó, đơn vị tuyển dụng sẽ có thư mời và yêu cầu người dân nộp từ 16.000 USD đến 24.000 USD. Trong đó, tại Việt Nam phải nộp ít nhất một nửa số tiền trên. Khi người lao động sang đến Canada hoàn thiện nốt số tiền còn lại. Phía đơn vị tuyển dụng cũng tiến hành phỏng vấn người lao động qua zoom với "ông chủ" Việt Nam tại Canada.
Công an TP. Hà Nội cho rằng, có thể đây là một đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động chuyên nghiệp. Qua tìm hiểu, cơ quan chức năng nhận thấy các đơn vị này không có giấy phép hoạt động; không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng vẫn nhận tiền của người lao động và có dấu hiệu làm giả giấy tờ đưa người đi lao động tại Canada. Khi người lao động đi theo dạng kể trên sẽ không có công ty bảo lãnh hay chịu trách nhiệm bảo vệ quyền lợi nên chịu rất nhiều thiệt thòi,...
Công an TP. Hà Nội khuyến cáo, khi gặp các công ty quảng cáo giới thiệu đưa người vào thị trường lao động Canada theo diện xuất khẩu lao động, người dân cần cảnh giác tránh mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Nếu người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi cư trú, các doanh nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ảnh minh họa: COLAB. |
Trong diễn biến liên quan, trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã cảnh báo việc thời gian qua có một số cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin mở rộng chính sách tiếp nhận của Hàn Quốc để quảng cáo, tuyển chọn trái quy định về việc đưa người lao động đi làm việc trong các ngành, nghề như giúp việc gia đình, vệ sinh, đầu bếp, nhà hàng, bốc xếp bưu phẩm,...
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngày 29/12/2023, Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc quyết định mở rộng thí điểm cho phép tuyển dụng lao động nước ngoài thị thực E-9 vào làm việc trong ngành kinh doanh khách sạn và căn hộ cho thuê.
Ngành nghề dự kiến triển khai gồm có: nhân viên dọn dẹp vệ sinh, nhân viên phụ bếp làm việc trong ngành kinh doanh khách sạn và căn hộ cho thuê (bao gồm cả kinh doanh nhà trọ tập thể hostel). Khu vực dự kiến thí điểm tuyển dụng tại 4 địa điểm du lịch chủ yếu của Hàn Quốc gồm: Seoul, Busan, Kangwon và Jeju.
Dự kiến trong năm 2024, Hàn Quốc sẽ ban hành quy trình thực hiện bao gồm: chỉ định quốc gia phái cử, cơ quan tuyển chọn, đơn vị đào tạo giáo dục định hướng,…Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ thông báo rộng rãi khi Hàn Quốc chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam các ngành nghề này.
Hiện nay Trung tâm Lao động ngoài nước (COLAB) là đơn vị duy nhất phái cử lao động đi làm việc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài theo thị thực E9 (chương trình EPS, bao gồm các ngành, nghề sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp và đóng tàu), chưa được giao phái cử lao động trong các ngành, nghề nêu trên.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng chưa tiếp nhận và chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động của bất kỳ doanh nghiệp dịch vụ nào để đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong các ngành, nghề giúp việc gia đình, vệ sinh, đầu bếp và nhân viên khách sạn.
Thời gian vừa qua, có một số cá nhân, tổ chức lợi dụng thông tin mở rộng chính sách tiếp nhận của Hàn Quốc quảng cáo, tuyển chọn trái quy định về việc đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong các ngành, nghề giúp việc gia đình, vệ sinh, đầu bếp, nhà hàng, bốc xếp bưu phẩm,...theo thị thực E9-5.
Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị người lao động tìm hiểu kỹ thông tin. Nếu người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi cư trú, COLAB, các doanh nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (thông tin trên trang www.dolab.gov.vn) hoặc Cục Quản lý lao động ngoài nước.