Theo thống kê đến cuối 2023, có khoảng 570.000 người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, phần lớn trong số đó là thực tập sinh, lao động kỹ năng đặc định. Ảnh minh họa: COLAB. |
Thực tập sinh, lao động kỹ năng đặc định làm việc ở Nhật Bản lớn
Thông tin trên được Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung mới đây.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Đại sứ Yamada Takio thông tin, sau dịch Covid-19, số lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc rất lớn. Theo thống kê đến cuối 2023, có khoảng 570.000 người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, phần lớn trong số đó là thực tập sinh, lao động kỹ năng đặc định. Lực lượng lao động này đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản.
Đại sứ Yamada Takio cũng thông báo tới Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về việc tháng 3 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc loại bỏ chương trình thực tập sinh nước ngoài hiện tại, và thay bằng một chương trình mới, hướng tới việc đào tạo kỹ năng và bảo vệ quyền lợi của người lao động..., trong đó có thực tập sinh của Việt Nam.
Liên quan đến hợp tác cùng JICA triển khai Dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”, Đại sứ Yamada Takio khẳng định phía Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong triển khai dự án này.
Với chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, Đại sứ Yamada Takio đánh giá các ứng viên điều dưỡng, hộ lý người Việt Nam rất xuất sắc, có khả năng ngoại ngữ tốt. Đặc biệt tỷ lệ ứng viên điều dưỡng, hộ lý thi đỗ chứng chỉ nghề quốc gia của Nhật Bản khá cao. Điều đó thể hiện, công tác đào tạo lao động ở Việt Nam trước khi sang Nhật Bản là rất tốt.
Bên cạnh đó, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam, Đại sứ Yamada Takio mong muốn hai bên sẽ mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới như bán dẫn, công nghệ cao, IT, quản trị kinh doanh… Bởi Nhật Bản đánh giá cao tiềm năng của lao động Việt Nam trong các lĩnh vực này.
Một lĩnh vực cũng được Đại sứ Yamada Takio đề cập liên quan đến thúc đẩy việc ký kết Hiệp định về bảo hiểm xã hội mà Chính phủ hai nước đang thảo luận cho ý kiến.
Ngoài ra, hiện nay các doanh nghiệp Nhật Bản đang tăng cường mở rộng sản xuất tại Việt Nam, do đó Đại sứ Yamada Takio đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tạo điều kiện trong việc cấp giấy phép lao động cho các chuyên gia, quản lý, lao đông kỹ thuật của Nhật Bản sang làm việc tại Việt Nam.
Thúc đẩy nhanh ký kết Hiệp định Bảo hiểm Xã hội, hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, kể từ sau đại dịch Covid-19, năm 2023 là năm thành công lớn đối với lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với 159.000 lao động, trong đó thị trường Nhật Bản chiếm tỷ lệ căn bản với trên 85.000 lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng gửi lời cảm ơn tới Đại sứ Yamada Takio đã hỗ trợ, tạo điều kiện để hai bên tổ chức thành công kỳ thi kỹ năng đặc định tại Việt Nam thời gian vừa qua. Đồng thời khẳng định Việt Nam luôn dành sự ưu tiên, tạo điều kiện cho việc đưa lao động có chất lượng sang làm việc tại Nhật Bản.
Về chương trình điều dưỡng, hộ lý, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, bên cạnh các khóa đào tạo đang triển khai hiện nay, Nhật Bản có thể lựa chọn các trường Trung cấp, Cao đẳng y của Việt Nam để đặt hàng và hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các em sinh viên năm thứ nhất có nguyện vọng sang làm việc tại Nhật Bản.
Đối với vấn đề hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Việt Nam cũng xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược, tương lai lâu dài. Thời gian tới, cùng với đào tạo nghề cơ bản, Việt Nam sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng khoảng 50.000 kỹ sư về công nghệ chip, bán dẫn... đồng thời phấn đấu có được 150.000 nhân lực có tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trao đổi về Hiệp định Bảo hiểm Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn và đề nghị hai bên thúc đẩy nhanh hơn để tiến tới Hiệp định được ký kết và có hiệu lực. Bởi lực lượng lao động của Việt Nam và Nhật Bản rất đông, không nên để người lao động phải đóng bảo hiểm 2 lần, gây khó khăn cho người lao động hai nước.
Có 23.364 lao động đi Nhật Bản làm việc trong 3 tháng đầu năm 2024 Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 3 năm 2024 là 12.738 lao động (4.211 lao động nữ), gồm các thị trường: Nhật Bản 6.297 lao động (2.534 lao động nữ), Đài Loan 5.487 lao động (1.604 lao động nữ), Hàn Quốc 288 lao động,... Tổng kết trong 3 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 35.933 lao động (11.483 lao động nữ) đạt 28,74% kế hoạch năm 2024 (năm 2024, kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là từ 125.000 lao động). Trong đó thị trường Nhật Bản là 23.364 lao động (8.248 lao động nữ), Đài Loan 9.781 lao động (3.011 lao động nữ), Hàn Quốc 707 lao động,... |
Xem thêm Tin nóng Bảo hiểm Xã hội: Trách nhiệm chốt sổ Bảo hiểm Xã hội thuộc về người sử dụng lao động
Hơn 23.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài 2 tháng đầu năm 2024 Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (DOLAB), trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở ... |
Những quyền lợi khi lao động tham gia chương trình thực tập sinh hộ lý Nhật Bản Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Lao động ngoài nước (COLAB) và Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka Nhật Bản, COLAB ... |