Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 5 năm 2024 là 17.489 lao động (5.216 lao động nữ). Trong đó, Nhật Bản là 5.543 lao động (2.524 lao động nữ), Đài Loan là 6.694 lao động (2.057 lao động nữ), Hàn Quốc là 4.394 lao động (548 lao động nữ),...
Tổng kết, trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 65.852 lao động (19.409 lao động nữ) đạt 52,68 % kế hoạch năm 2024. Trong đó, thị trường Nhật Bản là 35.208 lao động (13.364 lao động nữ).
Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 65.852 lao động, trong đó thị trường Nhật Bản là 35.208 lao động. Ảnh: COLAB. |
Theo thông tin từ Cổng TTĐT Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong hơn 50 năm qua, quan hệ giao lưu, hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Nhật Bản đã phát triển hết sức nhanh chóng, sâu rộng và ngày càng hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Trong xu thế phát triển đó, hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa hai nước ngày càng được coi trọng và có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây.
Nhiều chương trình, dự án như thực tập sinh kỹ năng, chương trình lao động kỹ năng đặc định, chương trình đưa điều dưỡng viên và hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA),...đã được Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với phía Nhật Bản triển khai và đạt được nhiều kết quả.
Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản chiếm trên 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Lao động Việt Nam đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Nhật Bản.
Hiện có khoảng 520.000 lao động Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, tăng 8 lần trong vòng 10 năm qua. Đây là một kết quả rất tích cực thể hiện chương trình phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động Việt Nam sang Nhật Bản đã có sự phát triển vượt bậc trong thời gian gần đây.
Một tin vui là ngày 17/5, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Nhật Bản thông qua dự luật sửa đổi Luật Nhập cư và Thực tập sinh kỹ năng, nhằm tạo ra một hệ thống mới, thu hút lao động nước ngoài đến Nhật Bản.
Dự luật đã được Ủy ban Tư pháp Hạ viện Nhật Bản phê duyệt với các điều khoản bổ sung sau khi tham vấn sửa đổi giữa liên minh cầm quyền của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Komeito, với Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDP) đối lập và Nippon Ishin (Đảng Đổi mới Nhật Bản).
Theo Bộ LĐ-TB&XH, dự luật mở ra hướng thiết lập hệ thống đào tạo lao động nước ngoài để thay thế chương trình đào tạo thực tập sinh kỹ năng.
Hệ thống đào tạo lao động nhập cư này nhằm mục đích phát triển và đảm bảo nguồn nhân lực. Điều này được thực hiện bằng cách tiếp nhận lao động nước ngoài không có kỹ năng, đào tạo họ trong 3 năm đến cấp độ loại 1 (công nhân có tay nghề cụ thể), theo tình trạng cư trú với tổng thời gian tối đa là 5 năm.
Những người lao động này nếu vượt qua kỳ thi loại 2, đòi hỏi kỹ năng nâng cao, họ sẽ được phép làm việc tại Nhật Bản vô thời hạn và có thể mang theo gia đình tới đất nước này. Khả năng cao nhất lao động nhập cư diện này có thể đạt được là trở thành "thường trú nhân".
Tuy nhiên, dự luật cũng bao gồm một điều khoản cho phép hủy bỏ quyền thường trú của công dân nước ngoài nếu họ cố tình không nộp thuế hoặc đóng bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, các điều khoản bổ sung nêu rõ rằng chính phủ được chấp nhận cho thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn sự tập trung lao động nước ngoài theo hệ thống đào tạo mới tại các khu vực thành thị hoặc khu vực hạn chế khác. Hơn nữa, hoạt động của hệ thống sẽ luôn được xem xét trong 3 năm, sau khi luật sửa đổi được thực thi.
Một thông tin đáng chú ý khác mà người lao động cần biết là tỉnh Yamanashi của Nhật Bản đã công bố chương trình bảo hiểm thân nhân đầu tiên dành cho lao động Việt Nam đang làm việc tại tỉnh này. Đây là biện pháp mới nhất của tỉnh Yamanashi trong nỗ lực trở thành điểm đến hấp dẫn hơn để thu hút nguồn nhân lực nước ngoài, trong đó đáng chú ý là lao động Việt Nam.
Xem thêm: Người lao động muốn đóng BHXH ở nơi đang thử việc có được không?
Người lao động có thể ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp cùng lúc không? Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Khoa - Phó Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Công đoàn, hiện nay có nhiều người lao động có nhu ... |
Tuyển 400 lao động đi Hàn Quốc làm việc, lương hơn 38 triệu đồng/tháng Trung tâm Lao động ngoài nước (COLAB, trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) thông báo, tuyển chọn 400 lao động ... |
Người lao động muốn thuê nhà ở xã hội Đà Nẵng cần đáp ứng điều kiện gì? Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng thông báo cho thuê 263 căn hộ nhà ở xã hội ở dự án chung cư nhà ở xã ... |
Doanh nghiệp Quảng Nam nợ bảo hiểm người lao động hơn 246 tỷ đồng Bảo hiểm Xã hội tỉnh Quảng Nam có báo cáo đến UBND tỉnh, tính đến hết tháng 5/2024, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm ... |
Hơn một năm xảy ra 3 vụ tai nạn lao động tại Công ty Sumitomo Heavy Industries Việt Nam Vừa qua, Cục An toàn lao động đã ban hành Kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn, ... |