Người lao động đăng ký tham gia chương trình EPS sẽ phải tham dự 2 vòng thi. Ảnh minh họa: TTXVN. |
Chúng tôi đã đưa tin, thông báo của Trung tâm Lao động ngoài nước mới đây, người lao động đăng ký tham gia chương trình EPS sẽ phải tham dự 2 vòng thi, bao gồm: Thi năng lực tiếng Hàn, kiểm tra tay nghề và đánh giá năng lực.
Người lao động đạt yêu cầu qua cả 2 vòng thi trên mới đủ điều kiện nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.
Dự kiến số lượng người đạt yêu cầu là 15.374 người, trong đó ngành sản xuất chế tạo là 11.246 người, ngành xây dựng là 200 người, ngành nông nghiệp là 895 người và ngành ngư nghiệp là 3.033 người.
Thời gian tiếp nhận đăng ký dự thi từ 26/1 đến 30/1.
Sau thông báo trên, Trung tâm Lao động ngoài nước cũng đã có giải đáp một số câu hỏi cho người lao động quan tâm đến chương trình EPS.
Về chi phí, Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, sau khi thi đỗ qua 2 vòng thi tiếng Hàn và kiểm tra tay nghề, được chủ sử dụng lao động lựa chọn và ký hợp đồng, người lao động mới đóng chi phí xuất cảnh bằng tiền Việt tương đương 630 USD và 390.000 đồng (bao gồm chi phí hành chính, vé máy bay, chi phí xin visa). Chi phí trên người lao động nộp cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm.
Bên cạnh đó, người lao động ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội, khoản tiền ký quỹ được nhận lại cả gốc và lãi sau khi về nước đúng hạn hợp đồng.
Cũng theo Trung tâm Lao động ngoài nước, đơn vị là cơ quan duy nhất được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao phối hợp với HRD Korea tổ chức tuyển chọn, phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Trung tâm Lao động ngoài nước phối hợp với các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc các Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức tiếp nhận đăng ký dự thi, hướng dẫn người lao động nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển và thông báo các kế hoạch học định hướng, xuất cảnh và thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Ngoài Trung tâm Lao động ngoài nước, không có bất cứ, cơ quan, tổ chức nào triển khai chương trình EPS tại Việt Nam.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, đặc thù của chương trình EPS là người lao động được chủ sử dụng lao động lựa chọn căn cứ trên một số hồ sơ được giới thiệu ngẫu nhiên, chủ sử dụng lao động không được chọn chỉ định lao động.
Ví dụ người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, có người quen là anh, chị, em đã nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, muốn nhờ công ty đứng ra lựa chọn, tuy nhiên cơ chế tuyển chọn với thông tin lao động được mã hóa và chọn ngẫu nhiên, không cho phép thực hiện theo hình thức này. Vì vậy, người lao động không thể biết trước thời gian sẽ xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc, không ai tác động được vào việc được chủ sử dụng lao động ký hợp đồng lao động.
“Việc đạt yêu cầu qua các kỳ thi không đảm bảo 100% người lao động được chủ sử dụng lao động lựa chọn sang Hàn Quốc làm việc. Vì vậy, sau khi nộp hồ sơ, người lao động vẫn duy trì các công việc bình thường, tránh tình trạng sau khi nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển, chỉ ở nhà chờ đợi này sinh tâm lý lo lắng, căng thẳng, lãng phí thời gian, bị động trong việc sắp xếp kế hoạch công việc, gia đình”, Trung tâm Lao động ngoài nước thông báo.
Người lao động lưu ý, ngoài Trung tâm Lao động ngoài nước, không có bất cứ, cơ quan, tổ chức nào triển khai chương trình EPS tại Việt Nam. |
Thông tin về chương trình EPS. Đồ họa: N.L. |