Thủ tướng: Các khu đất đẹp, thuận lợi giao thông cần ưu tiên cho sản xuất kinh doanh
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị. Ảnh: VGP. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận nhiều nội dung về phương hướng thời gian tới tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản đã diễn ra ngày 3/8 vừa qua.
Thứ nhất, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiên trì, kiên định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát khung khổ pháp lý xem vướng mắc ở đâu, tại văn bản nào, nội dung gì, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu; trong đó, cần thúc đẩy nhanh sự ra đời của các sàn giao dịch bất động sản để phát huy khả năng tự điều chỉnh của thị trường, hạn chế việc can thiệp hành chính.
Các bộ, ngành địa phương tập trung, khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch với các ngành, vùng, địa phương, phân khu.
Thứ hai, để tăng tổng cung và tổng cầu, Thủ tướng yêu cầu cần quyết liệt triển khai chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn nhưng có kiểm soát (giảm lãi suất cho vay, tăng hạn mức tín dụng, đẩy mạnh cung tiền M2; đẩy mạnh việc khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn nợ…); phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát với các biện pháp giảm, giãn hoãn thuế, phí, lệ phí,...Trong đó, giảm thuế VAT phải nhanh với tinh thần "cái gì được thì cho đi trước", không thể chờ cả gói mới thực hiện miễn là đúng luật pháp; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển; chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp các chính sách.
Thứ ba, Thủ tướng yêu cầu tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế, thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.
Thủ tướng một lần nữa lưu ý các địa phương, các khu đất đẹp, thuận lợi về giao thông cần ưu tiên dành cho sản xuất kinh doanh, từ đó mới tạo công ăn việc làm, thu hút người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, có người đến ở thì mới có người mua nhà, từ đó mới phát triển được bất động sản, đô thị… Đây là vấn đề có tính quy luật, được thực tiễn chứng minh.
Thứ tư, cơ cấu lại các phân khúc bất động sản cho phù hợp, lưu ý quan tâm phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập trung bình. Thực tế cho thấy cơ cấu bất động sản không hợp lý khiến nhiều người có nhu cầu thực không thể tiếp cận nhà ở.
Thứ năm, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần chú trọng công tác này, thực hiện thực chất, hiệu quả, không hình thức.
Thứ sáu, giải pháp về tổ chức thực hiện và giải pháp con người. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động thực hiện các giải pháp nói trên theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền thì đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Các cơ quan động viên, khuyến khích, đề cao trách nhiệm và hình thành cơ sở, hành lang pháp lý để cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm thực hiện công việc, miễn là vô tư, trong sáng, vì lợi ích chung, vì sự phát triển; khen thưởng, kỷ luật, xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Trình Thủ tướng ban hành quyết định giảm 30% tiền thuê đất 2023 ngay trong tháng 7 Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục ... |
Nỗ lực tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế năm 2023 nhưng cần cẩn trọng với các rủi ro Gia tăng tín dụng chỉ bằng biện pháp giảm lãi suất mà không song hành với các biện pháp hồi phục, củng cố và phát ... |
Công ty con của EVN ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.354 tỷ đồng Công ty con của EVN vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 với kết quả kinh doanh khá tích cực. Theo ... |