Tìm ra giải pháp chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ em là trách nhiệm của cả cộng đồng
Điều kiện để người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội |
Tọa đàm “Nhận diện tiêu chí chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ em”. |
Nhiều chủ đầu tư chung cư ưu tiên lợi nhuận kinh doanh, tìm mọi cách cắt xén không gian vui chơi cho trẻ em
Tại tọa đàm “Nhận diện tiêu chí chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ em”, các chuyên gia, doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, bất động sản đã thảo luận về thực trạng mất an toàn đang diễn ra tại nhiều chung cư hiện nay đối với trẻ em; phân tích những rủi ro, khó khăn cho trẻ khi sống ở những chung cư xuống cấp, mất an toàn, thiếu không gian vui chơi,… Từ đó đưa ra những khuyến nghị dành cho người mua nhà nhằm hướng tới sự lựa chọn nơi đáng sống là các chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ nhỏ.
Điều 4, Luật Trẻ em Việt Nam năm 2016 đã nhấn mạnh “Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh”. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều câu chuyện, trường hợp đáng tiếc đã xảy ra liên quan đến việc mất an toàn của trẻ em tại các chung cư khiến dư luận, đặc biệt là các phụ huynh có con nhỏ không khỏi lo lắng.
Điểm lại một số vụ việc: Tháng 2/2021, bé gái 3 tuổi leo qua lan can rồi treo mình lơ lửng ở ban công một căn hộ ở tầng 12. May mắn, khi rơi xuống phía dưới bé gái này đã được anh Nguyễn Ngọc Mạnh (31 tuổi, ở huyện Đông Anh, Hà Nội) đỡ kịp thời. Kết quả, cháu bé bị gãy xương tay, chân, không nguy hiểm đến tính mạng. Năm 2023, bé gái 4 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư ở khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm, Hà Nội) tử vong.
Có thể thấy, không ít nguy cơ mấy an toàn có thể xảy ra với trẻ nhỏ sống trong chung cư. Bởi vậy, việc xây dựng môi trường an toàn, trước hết từ chính trong ngôi nhà của mình là điều vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, trẻ em tại không ít chung cư đang thiếu đi không gian giải trí khi khu vui chơi bị lấn chiếm. Nhiều năm qua có không ít bài báo phản ánh việc các khu chung cư ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM,… thiếu trầm trọng diện tích đất sử dụng làm sân chơi cho trẻ nhỏ hoặc có tồn tại nhưng đã xuống cấp không được cải tạo, sân chơi của trẻ em bị chiếm dụng để bán cà phê, hàng ăn…
Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu sân chơi, địa điểm vui chơi dành cho trẻ em có nguyên nhân chủ yếu từ công tác quy hoạch còn hạn chế, thiếu các quy định về phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tổ chức hoạt động vui chơi văn hóa cho trẻ em.
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - cho rằng, thực trạng vẫn thiếu những quy định, hướng dẫn chi tiết để đưa trẻ em thành một đối tượng cần được quan tâm. Thứ hai là vấn đề nghiệm thu, kiểm tra từ các đồ án thiết kế quy hoạch đến các công trình đã đưa vào sử dụng cũng chưa có yếu tố riêng biệt dành cho đối tượng trẻ em.
Đặc biệt, liên quan đến ý thức của các chủ đầu tư, các nhà phát triển dự án. Bởi trong quá trình làm dự án chung cư, rất nhiều chủ đầu tư, nhà phát triển đã ưu tiên lợi nhuận kinh doanh, đặt lợi ích lên hàng đầu mà quên mất những điều kiện để tạo ra chất lượng cho toàn dân, trong đó có trẻ em.
TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - phát biểu tại tọa đàm. |
“Tư duy của các nhà phát triển, một số chủ đầu tư vẫn còn đặt bài toán lợi nhuận lên hàng đầu, tư duy về tiện ích còn có những hạn chế nhất định. Nhiều dự án ở các khu trọng điểm chưa có sự đáp ứng về các yếu tố an toàn cũng như không gian vui chơi cho trẻ em... Thậm chí, có một số chủ đầu tư bất chấp, tìm mọi cách để cắt xén, lấn chiếm những khu vực mà đáng ra để tạo nên tiện ích phục vụ cho cộng đồng thì lại chuyển sang mục đích cá nhân", TS. Đính nhấn mạnh.
Chuyên gia này cho rằng, ngay trong tư duy ban đầu của các chủ đầu tư, các nhà phát triển dự án phải được trang bị, đào tạo kiến thức liên quan đến trẻ thơ. Có như vậy, khi thiết kế và làm dự án, trẻ em sinh sống trong các tòa nhà chung cư cũng mới được đảm bảo về sự an toàn, về cuộc sống hạnh phúc. có thể lấy dẫn chứng những khu có tính chất như nhà ở xã hội, phục vụ cho người lao động tại Thái Lan hay Malaysia, có khoảng 8.000 căn hộ nhưng hạ tầng tiện ích vẫn rất đồng bộ từ vui chơi giải trí, thể thao... Chủ đầu tư thì thiết kế thể hiện rõ sự quan tâm tới các đối tượng như người tàn tật, trẻ em. Chứng tỏ, ngay từ tư duy ban đầu, họ đã có sự quan tâm đến đối tượng yếu thế.
Trong khi đó, với chúng ta đây vẫn đang là vấn đề thiếu sót cần phải xem xét. Ngay kể cả trong thiết kế căn hộ vẫn rất ít tư duy dành cho trẻ em. Như vậy, vấn đề cần đặt ra là làm sao nhận diện được những tiêu chí trong tòa nhà, khu dân cư có thể đảm bảo cho an toàn trẻ em cũng như hệ thống không gian giao thông, thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy... để trẻ em dễ dàng sử dụng khi xảy ra sự cố.
Về tình hình thực tế mất an toàn đang diễn ra tại nhiều chung cư và những nhóm rủi ro tiềm ẩn mà trẻ em đang phải đối mặt từ chung cư mất an toàn, ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ, thời gian qua, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội, nhiều chung cư mọc lên, đặc biệt tại các đô thị lớn. Những chung cư đã góp phần giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân, đặc biệt trẻ em có mái ấm tốt nhất để phát triển an toàn và lành mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vì tốc độ phát triển quá nhanh, hệ thống pháp luật không theo kịp để điều chỉnh sự hoạt động và quản lý của các chung cư từ khâu tổ chức xây dựng, hậu kiểm,... có những tai nạn thương tâm xảy ra.
Tiêu chí về hình mẫu chung cư an toàn và hạnh phúc dành cho trẻ em
Từ những thực trạng trên, TS. Nguyễn Văn Đính đã đưa ra những yếu tố mà các vị phụ huynh cần lưu ý để lựa chọn một dự án chung cư an toàn, hạnh phúc gồm:
Thứ nhất, ý thức của chủ đầu tư về chất lượng sống, đặc biệt với trẻ em như chủ đầu tư có thực sự quan tâm đến việc tạo ra một môi trường sống tốt cho trẻ em ngay từ khâu thiết kế không, họ có đầu tư xây dựng những tiện ích như trường học, khu vui chơi, không gian dành riêng cho trẻ em để đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ nhỏ hay không?
Thứ hai, an toàn cho trẻ em trong không gian chung như các khu vực hành lang, thang máy, cầu thang thoát hiểm, đặc biệt là khu vui chơi giải trí có được thiết kế đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ em không, chủ đầu tư có chú trọng đến việc lắp đặt các thiết bị an toàn, hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra với trẻ nhỏ không?
Thứ ba, cộng đồng cư dân. Các cư dân tại chung cư có tạo ra một môi trường sống thân thiện, an toàn và lành mạnh cho trẻ em không, họ có quan tâm đến việc chăm sóc và bảo vệ trẻ để cùng nhau tạo nên một cộng đồng gắn kết không?
Bên cạnh đó, để đẩy mạnh tính an toàn và hạnh phúc cho trẻ em tại các dự án chung cư về mặt chính sách, pháp lý, ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đưa ra kiến nghị: Thứ nhất, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hệ thống chính sách về xây dựng, quản lý, sử dụng chung cư. Trách nhiệm của các Bộ, Ban ngành phải rõ ràng, cụ thể từng cấp, từng cán bộ. Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh, tuyên truyền dưới nhiều hình thức cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, các cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, cho mọi người dân về bảo vệ an toàn cho trẻ em. Thứ ba, các cơ quan nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp về quy hoạch, xây dựng, vận hành tòa nhà,… để đảm bảo rằng các quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm túc.
Kết thúc tọa đàm, Ban Tổ chức khẳng định, việc bảo đảm chung cư an toàn cho trẻ không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ, người chăm sóc mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ em, mỗi cá nhân, tổ chức và cơ quan quản lý cần có ý thức, trách nhiệm đóng góp vào việc xây dựng một môi trường sống an toàn và lành mạnh cho thế hệ tương lai, góp phần giúp các em phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần. Các ý kiến đóng góp và giải pháp đưa ra tại tọa đàm sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng một môi trường sống an toàn và hạnh phúc hơn cho trẻ em tại các chung cư.
Tham khảo thêm:
Từ 1/8/2024, đặt cọc mua nhà ở hình thành trong tương lai cần lưu ý gì? Từ ngày 1/8/2024, khi Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực, các chủ đầu tư chỉ được thu tiền cọc mua nhà ... |
Từ 1/8/2024, công nhân trong khu công nghiệp được hỗ trợ nhà lưu trú Luật Nhà ở (sửa đổi) số 27/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024, bổ sung quy định về phát triển nhà lưu trú ... |
Thị trường bất động sản: Sức cầu căn hộ sẽ tăng vọt sau thời điểm 1/8/2024 Lịch sử đã chứng minh cứ sau mỗi lần Luật Đất đai mới được áp dụng, thị trường bất động sản lại chứng kiến một ... |