Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 1%
Tại báo cáo gửi Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề, chất vấn lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 1%.
Cũng tại báo cáo này, Bộ Xây dụng thông tin, hiện các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng, chưa đến 1%.
Cụ thể: Ngân hàng BIDV đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương với số tiền là 95,7 tỷ đồng; Vietinbank đã giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang với số tiền là 128,6 tỷ đồng; Agribank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang với số tiền là 415,7 tỷ đồng.
Hiện nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank) thì có thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPbank) đã có trách nhiệm tham gia chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết số 33 với số tiền khoảng 5.000 tỷ đồng.
Người đứng đầu Bộ Xây dựng cho rằng, gói tín dụng còn gặp phải khó khăn vướng mắc như: Việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế: Đến nay đã có 129 dự án nhà ở xã hội, với quy mô 114.934 căn được khởi công xây dựng.
Tuy nhiên, mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy còn 59 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương.
Ngoài ra, một số chủ đầu tư không đủ điều kiện về tín dụng như: Không đảm bảo điều kiện dư nợ tín dụng; không có tài sản khác để thực hiện đảm bảo tín dụng (dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất nên không đủ điều kiện thế chấp); đã vay tại các tổ chức tín dụng khác…
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất, còn 8% với chủ đầu tư và 7,5% với người mua nhà nhưng lãi suất cao, thời hạn ưu đãi lại ngắn, trong vòng 3-5 năm nên "chưa thực sự thu hút người vay".
Lối đi nào phù hợp cho gói tín dụng 120.000 tỷ đồng?
Nhìn từ vướng mắc như việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế, một số chủ đầu tư không đủ điều kiện về tín dụng... thiết nghĩ giải pháp cũng cần được đưa ra chính từ đây.
Hiện, nhiều chủ đầu tư cho rằng, thủ tục để được vay gói tín dụng ưu đãi trên yêu cầu có tài sản đảm bảo khiến nhiều chủ đầu tư cân nhắc; mức lãi suất cho vay chưa hấp dẫn nhà đầu tư, thời gian vay vốn ngắn... khiến họ gặp khó.
Trước đó, không ít các chuyên gia cũng nêu quan điểm về việc cần thiết nới rộng những quy định trong điều kiện vay gói tín dụng ưu đãi này cả đối với người mua nhà và chủ đầu tư.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận: "Mức giảm lãi suất 1,5% với chủ đầu tư và 2% với người mua nhà trên thực tế lãi suất cho vay vẫn còn khá cao, chưa đủ để hấp dẫn đối với những người tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng giai đoạn đồng thời cần thống nhất quy định rõ ràng, công khai, minh bạch về chủ đầu tư đủ điều kiện được hưởng gói vay.
Đối với các cá nhân được hưởng gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội cũng cần quy định rõ ràng các điều kiện, thời hạn vay ra sao, mức độ vay thế nào".
Cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn về xác định danh mục dự án tham gia chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, đối tượng, điều kiện và tiêu chí vay ưu đãi. Một số đã được cắt giảm như điều kiện về bồi thường giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng, giúp chủ đầu tư sớm được công bố danh mục vay vốn để tiếp cận với gói tín dụng này.
Trong thời gian tới, với sự quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội thì việc giải ngân gói hỗ trợ này sẽ đạt kết quả tốt hơn.
Tại phiên họp lần thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa diễn ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội; xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát, sửa đổi các quy định, điều kiện, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà ở xã hội. Trong đó, cần tạo thuận lợi tối đa cho người dân được mua nhà ở xã hội và tiếp cận vốn vay, ưu tiên thúc đẩy tiến độ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. |
“Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cao, nhưng nhu cầu vay lại là một vấn đề, bởi quyết định vay để nua một căn nhà là tùy thuộc vào người dân. Trong Luật Nhà ở sửa đổi đã có quy định cho phép các doanh nghiệp có thể mua nhà để bố trí chỗ ở cho công nhân. Đây là điểm tích cực để gói tín dụng này có thể tăng dư nợ giải ngân”. - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng - |
Chủ dự án nhà ở xã hội cho công nhân lớn nhất Bắc Giang bị phạt 320 triệu đồng Ngày 6/5, UBND tỉnh Bắc Giang ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với ... |
Cận cảnh nhà ở xã hội Công ty Sài Gòn Thuận Phước người lao động phản ánh chậm bàn giao Công ty CP Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước chậm bàn giao nhà ở thuộc Khối nhà B2 của dự án Khu chung cư ... |
Cơ hội để người lao động Bình Định sở hữu nhà ở xã hội với giá gần 12 triệu đồng/m2 Sở Xây dựng tỉnh Bình Định vừa đăng tải thông báo của Công ty TNHH SOLRISE Nhơn Phú về việc tiếp nhận hồ sơ mua ... |