Bảng giá đất mới: Cần phân loại chi tiết các nhóm đất để đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp
Việc áp dụng bảng giá đất sát với giá thị trường hơn có thể làm tăng chi phí sử dụng đất, giá đất |
Cần cụ thể hóa, chi tiết giá của các nhóm đất
Ngày 10/1, dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNERA) Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Áp dụng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024: Những vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển bền vững thị trường bất động sản Việt Nam”. Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất quan trọng liên quan đến bảng giá đất.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, tính đến ngày 6/1/2025, đã có 25 địa phương trên cả nước chính thức công bố bảng giá đất điều chỉnh, có hiệu lực đến ngày 31/12/2025. Đáng chú ý, giá đất ở nhiều khu vực có mức tăng cao hơn nhiều lần so với bảng giá đất cũ và mỗi địa phương đều có mức tăng giá khác nhau.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đề xuất giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế trong xây dựng và áp dụng bảng giá đất mới. |
Từ thực tế trên, Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (Hiệp hội Bất động sản Việt Nam) chỉ ra rằng, bên cạnh những tác động tích cực, việc áp dụng bảng giá đất mới không đồng bộ các nguyên tắc xác định giá đất, đặc biệt là nguyên tắc thị trường và nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích các bên. Hệ quả của việc này đó là tình trạng giá đất được xác định ở mức cao, làm cho những người dân nghèo không thể chi trả các khoản tài chính đất đai sau khi đã làm các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì họ không đủ khả năng tài chính để thực hiện các nghĩa vụ đó, người thu nhập thấp khó có thể tiếp cận được đất đai...
Đặc biệt, trong Quyết định ban hành sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong bảng giá các loại đất thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, các loại đất được chia thành các nhóm đất sau: nhóm đất nông nghiệp; nhóm đất phi nông nghiệp (bao gồm: đất ở; đất thương mại dịch vụ; đất sản xuất kinh doanh không phải là đất thương mại dịch vụ).
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội. |
Theo PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội và ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thực tế triển khai nhóm đất “Đất sản xuất kinh doanh không phải là đất thương mại dịch vụ” được bao hàm rất nhiều các loại đất khác nhau (đất xây dựng cơ sở văn hóa; đất xây dựng cơ sở giáo dục và đào tạo; đất xây dựng cơ sở y tế; đất xây dựng cơ sở thể dụng thể thao…).
Việc tính giá các loại đất này trong bảng giá đất được dựa trên các nguyên tắc được quy định tại khoản 1, Điều 158 Luật Đất đai 2024, trong đó có nguyên tắc “bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư” và được xác định theo từng khu vực, tuyến đường và vị trí. Xét về lý thuyết chung về giá đất sẽ được xác định trên cơ sở khả năng sinh lời của thửa đất đấy đối với mục đích sử dụng xác định.
Như vậy, việc quy định giá đất của nhóm đất “Đất sản xuất kinh doanh không phải là đất thương mại dịch vụ” theo tuyến đường và vị trí chưa thực sự tuân thủ theo nguyên tắc thị trường và lý thuyết chung về các phương áp áp dụng (phương pháp thu nhập và phương pháp thặng dư).
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. |
Việc điều chỉnh bảng giá đất có biên độ tăng cao như hiện nay đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp thuộc trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm (được áp dụng giá quy định trong bảng giá - điều 159 Luật Đất đai 2024) dẫn đến tiền thuê đất tăng đột biến, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch kinh doanh của đơn vị (doanh thu không đủ để trả chi phí thuê đất).
Do đó, cần cụ thể hóa, chi tiết hơn giá của nhóm “đất sản xuất kinh doanh không phải là đất thương mại dịch vụ” đúng theo nguyên tắc “bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư”, phù hợp với khả năng sinh lời của đất đai.
Xây dựng bảng giá đất cần dựa trên giá trị thị trường thay vì yếu tố biến động - giá cả
Việc điều chỉnh bảng giá đất là một vấn đề quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản. Theo đó, giới chuyên gia cho rằng việc thống nhất các nguyên tắc xác định bảng giá đất cần phải đảm bảo 2 vấn đề.
Thứ nhất, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn về cách thức xác định “giá thị trường” để đảm bảo tính khách quan, công bằng.
PGS. TS Trần Kim Chung, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, hiện nay, với giao dịch thực tế, việc xác định giá trị đất không có giá trị thực, mà chỉ theo các giá trị quy định “đối với đất ở”.
Để đảm bảo bảng giá đất sát với thị trường, PGS. TS. Trần Kim Chung kiến nghị cần tập trung vào việc thu thập thông tin giá đất một cách chính xác và minh bạch. Cụ thể, thông tin cần được thu thập từ nhiều nguồn đa dạng như giao dịch thực tế, đấu giá đất, hoạt động tư vấn giá... Đặc biệt, quá trình này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để cập nhật biến động của thị trường. Bên cạnh đó, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tính trung thực của thông tin, đặc biệt là việc khai báo giá mua bán đất.
GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. |
Trong khi đó, GS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng khi xây dựng bảng giá đất cần dựa trên giá trị thị trường (có sự ổn định) thay vì yếu tố biến động - giá cả. Cần phân định giá cả và giá trị thị trường của đất đai khi lập bảng giá đất.
Theo đó, bảng giá đất cần được công bố mỗi năm để phản ánh chính xác đất đai được phân phối, giao dịch và sử dụng hiệu quả. Cơ quan quản lý cần xây dựng cơ sở dữ liệu số, đưa thông tin giá và thuế đất từng thửa đất theo mỗi năm vào kho dữ liệu này... nhằm hạn chế xin - cho, lợi ích cá nhân trong định giá đất.
Thứ hai, để đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp triển khai các dự án khác nhau, các chuyên gia cho rằng bảng giá đất mới cần được xây dựng dựa trên việc phân loại nhóm đất một cách chi tiết. Việc này sẽ cho phép xác định giá đất chính xác hơn với từng nhóm đất cụ thể, phản ánh đúng giá trị thực tế và tiềm năng sử dụng đất của từng loại hình dự án.
Nhóm chuyên gia của Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng, bảng giá đất mới ban hành có mức giá tăng cao gấp nhiều lần so với giá tính trước đây, do đó cần xem xét mức tỷ lệ % tính giá thuê đất phù hợp nhất để giúp cho doanh nghiệp có thể đủ chi phí kinh doanh có lãi nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước cũng như tái đầu tư vào các hoạt động kinh doanh tiếp theo.
Cuối cùng, cần xem xét giá đất của từng loại đất tại từng khu vực dựa trên khả năng sinh lời cụ thể của từng mục đích sử dụng, xác định vị trí có biến động trên thị trường (tăng/giảm) để điều chỉnh bảng giá đất theo khu vực, vị trí; giá đất của từng thửa đất có biến động trên thị trường đối với khu vực xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế. |
Đồng quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho rằng, cần quy định chi tiết phương pháp xác định giá đất, hướng dẫn định giá phù hợp với từng loại đất, từng vùng miền, đảm bảo tính linh hoạt nhưng vẫn nhất quán. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn chi tiết hơn các quy định về thu thập, quản lý và cập nhật dữ liệu giá đất thị trường, bao gồm các giao dịch thực tế, kết quả đấu giá, giá trị bồi thường.
Về vấn đề đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tăng cường thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào địa phương, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khi giao hay cho thuê đất giá giao hay cho thuê đất cần được thiết kế với sự linh hoạt, dựa trên đặc điểm, mục đích sử dụng đất và tính chất các dự án.
Cụ thể, nếu là đất ở, các khu chung cư, quy hoạch khu dân cư theo hình thức mua bán quyền sở hữu vĩnh viễn thì cần áp dụng mức giá 100% theo bảng giá đất.
Đối với đất thương mại, dịch vụ (xây dựng văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại, du lịch), có thời gian thuê đất 50 năm, thì tiền thuê nên tính khoảng 40- 0% giá trị đất tính theo khung giá đất hàng năm.
Đối với các khu vực dành cho các ngành công nghiệp chiến lược, công nghiệp công nghệ cao, cần áp dụng mức giá đất cạnh tranh để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế trong khoảng 20-40% giá đất trong bảng giá đất.
Trong một số trường hợp, việc miễn phí giao đất hoặc giảm giá thuê đất cho các dự án này là cần thiết để khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức, các doanh nghiệp tham gia vào phát triển các công trình phúc lợi xã hội. Các chính sách này sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng và đảm bảo sự phát triển bền vững về dài hạn.
Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam nói về tác động của bảng giá đất. Video: BTC
HoREA: Thành phố Hồ Chí Minh chưa nên ban hành Bảng giá đất áp dụng từ 1/8/2024 Ngày 31/7/2024, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã ra văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường và ... |
TP.HCM thưởng 15 triệu đồng cho hộ gia đình di dời trước thời hạn thu hồi đất UBND TP.HCM vừa ban hành Quyết định số 68/2024/QĐ-UBND quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi ... |
Hà Nội điều chỉnh giá đất theo chiều sâu thửa đất Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 71/2024/QĐ-UBND về việc sửa đổi, bổ sung một số nội ... |