Đề nghị nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội
Vì đâu gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội giải ngân ì ạch? |
Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, triển khai gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm và lãi suất thấp hơn từ 3-5%. Ảnh: VGP. |
Thực tế phát triển nhà ở xã hội từ pháp lý đến thực tiễn
Sáng 16/3, phát biểu kết luận Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao báo cáo của Bộ Xây dựng và 16 ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm.
Thủ tướng nhấn mạnh, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được Quốc hội thông qua trong năm 2023 có nhiều cơ chế ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội.
Các Bộ đang tích cực rà soát, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, ban hành các văn bản hướng dẫn với nhiều nội dung mới, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn…; phấn đấu hoàn thành và báo cáo Quốc hội để xin có hiệu lực từ 1/7/2024 thay vì 1/1/2025).
Bên cạnh đó, nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã được triển khai và hoàn thành, góp phần hỗ trợ người có thu nhập thấp, công nhân, người lao động "an cư lạc nghiệp". Từ năm 2021 đến nay, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411 nghìn căn hộ.
Gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng dù còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn (mới cam kết cấp tín dụng được 5,8%, giải ngân chưa được 1%) nhưng đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương. Cụ thể, đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30 nghìn tỷ đồng...
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, việc phát triển nhà ở xã hội so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt được và còn một số tồn tại, khó khăn. Nhiều địa phương chưa có sẵn quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội.
Một số dự án nhà ở xã hội tại một số địa phương có quy hoạch nhưng lại cấp cho các nhà đầu tư còn yếu về năng lực, trong khi có doanh nghiệp lại thiếu động lực triển khai vì hiệu quả không cao dẫn đến chậm triển khai dự án.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ thực hiện nhà ở xã hội so với mục tiêu của Đề án còn thấp, thậm chí nhiều địa phương chưa có dự án nhà ở xã hội khởi công từ năm 2021 đến nay (như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Long An, Vĩnh Long…).
Đề nghị nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội
Để đáp ứng nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các chủ thể có liên quan phải phát huy hết khả năng, tâm huyết của mình, tinh thần trách nhiệm cao nhất, chủ động, sáng tạo, kịp thời, cộng với trách nhiệm, đạo đức xã hội để thực hiện các công việc cho tốt.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các Bộ Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước tập trung xây dựng, sớm ban hành các Nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội. Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.
Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm với lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng phù hợp.
Bộ Tài chính được giao nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp.
Với các địa phương, Thủ tướng đề nghị cấp ủy có nghị quyết để lãnh đạo việc phát triển nhà ở xã hội, HĐND ban hành các chính sách, quy định phù hợp với đặc thù địa phương, UBND các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện tốt, thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, kịp thời trong điều kiện địa phương, dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm không đùn đẩy, né tránh.
Thủ tướng nhấn mạnh, những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, từ đó mới có người đến làm, như vậy mới có người đến ở, mua nhà, từ đó phát triển được bất động sản, khu đô thị bền vững.
Đồng thời, tổ chức đấu giá, đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, tài chính, kinh nghiệm, triển khai công khai minh bạch và tăng tỷ lệ ký quỹ, bảo lãnh để bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tốt.
Đối với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập cần tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công.
Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023. Để đạt được mục tiêu này, trước đó, đóng góp vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia nêu quan điểm, cần thiết nghiên cứu tạo lập Quỹ Phát triển nhà ở xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội và người thu nhập thấp được tiếp cận với nhà ở. |
Nguồn: HoREA. |
Vì đâu gói 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội giải ngân ì ạch? Thực tế cho thấy từ thời điểm bắt đầu giải ngân đến nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội (NƠXH) ... |