Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có cuộc gặp gỡ, làm việc với ông Takebe Tsutomu, Chủ tịch Hiệp hội Nagomi. Nguồn: MOLISA. |
Theo Bộ LĐ-TB&XH, làm việc với ông Takebe Tsutomu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong tháng 3/2024, Việt Nam sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá kỹ năng trong hai lĩnh vực điều dưỡng và nông nghiệp đối với người lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo chương trình kỹ năng đặc định. Việt Nam hiện đăng tuyển công khai các ứng viên diện này.
Theo Bộ trưởng, đến nay có 350.000 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Việt Nam cũng là quốc gia đứng đầu trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản. Sau dịch bệnh Covid-19, số người lao động Việt Nam sang Nhật có chững lại do suy thoái kinh tế, đồng Yên sụt giảm song dòng nhân lực đang có dấu hiệu phục hồi, tăng tích cực trở lại.
"Năm 2023, Việt Nam phái cử hơn 150.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đây cũng là năm ghi dấu mốc mới khi số lượng lao động Việt Nam sang Nhật Bản lớn nhất từ trước đến nay, đạt 85.000 người. Điều này khẳng định lao động Việt Nam luôn nhận được sự đánh giá cao, sự tin tưởng của các nghiệp đoàn, các doanh nghiệp Nhật Bản, cũng cho thấy lao động Việt rất yên tâm khi đến đất nước mặt trời mọc", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng cho biết thêm, thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH cũng như cá nhân ông tiếp tục dành quan tâm tới các vấn đề liên quan đến chương trình thực tập sinh, chương trình kỹ năng đặc định,…
Bộ trưởng đề xuất Chính phủ Nhật Bản mở thêm nhóm nghề kỹ năng đặc định tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực nhà hàng và sản xuất chế biến thực phẩm. Đây là hai lĩnh vực lợi thế của Việt Nam.
Về ý tưởng xây dựng Đại học Hạ Long thành cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao mà ông Takebe Tsutomu đề cập, Bộ trưởng đánh giá đây là ý tưởng rất thú vị. Đào tạo nhân lực chất lượng cao cũng là việc Việt Nam đang hướng đến.
"Việt Nam sẽ phấn đấu trở thành trung tâm đào tạo nhân lực trong lĩnh vực chip bán dẫn, hydrogen và tín chỉ carbon của thế giới. Chúng tôi đặt ra chỉ tiêu từ nay đến năm 2030 đào tạo được tối thiểu 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực chip bán dẫn. Cùng thời gian này, Việt Nam cũng phấn đấu có được 150.000 nhân lực có tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin.
Từ tháng 4 năm 2019, Nhật Bản đã thiết lập tư cách lưu trú mới để tiếp nhận người nước ngoài làm việc ở một số lĩnh vực ngành nghề của Nhật Bản như một lực lượng lao động có thể làm việc ngay gọi là “Specified Skilled Worker (SSW: Người lao động kỹ năng đặc định)”. Để làm việc tại Nhật Bản với tư cách là lao động kỹ năng đặc định, ứng viên cần phải hoàn thành tốt chương trình thực tập kỹ năng hoặc thi đỗ kỳ thi kỹ năng đặc định (bao gồm thi kỹ năng và kiểm tra tiếng Nhật). Người lao động quan tâm, tìm hiểu thêm có thể truy cập ở đây. |
12 nghề thuộc đối tượng của SSW. Nguồn: Ảnh chụp website Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. |
Trong diễn biến liên quan, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (DOLAB), trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 23.195 lao động (trong đó 7.272 lao động nữ), đạt 18,56% kế hoạch năm 2024.
Trong đó 3 thị trường có số lượng lao động đi làm việc nhiều, lần lượt gồm: Nhật Bản là 17.067 lao động (5.714 lao động nữ), Đài Loan là 4.294 lao động (1.407 lao động nữ), Hàn Quốc là 419 lao động,...
Xem thêm: Người lao động nghỉ việc nhưng công ty không chốt sổ, cần làm gì?
Lao động đi làm ở Hàn Quốc theo Chương trình EPS được vay tối đa bao nhiêu? Người lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi người lao động đăng ký thường trú, mức tối đa bằng ... |
Giải bài toán tiếp cận, sở hữu nhà ở xã hội của người lao động Theo đa số ý kiến người lao động, họ gặp khó khăn khi mua nhà ở xã hội ở việc phải có thu nhập không ... |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói gì về vấn đề lừa đảo cưỡng bức lao động? Về vấn đề lừa đảo cưỡng bức lao động, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, đây là tình trạng diễn ra chủ yếu từ ... |