Lạc vào "ma trận" môi giới xuất khẩu lao động, thu phí đến 5.500 USD
"Ma trận" môi giới mời chào đi xuất khẩu lao động Nhật Bản
Gõ cụm từ "xuất khẩu lao động", "xuất khẩu lao động Nhật Bản" trên Facebook trả về cho phóng viên Nhịp sống Doanh nghiệp/Tạp chí Lao động và Công đoàn hàng trăm hội, nhóm đăng tải thông tin, mời chào đi xuất khẩu lao động chi phí rẻ. Phóng viên thử đăng 1 dòng tin tìm nơi uy tín đi xuất khẩu lao động, chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, gần 100 bình luận mời chào cạnh tranh, có hàng chục tin nhắn gửi riêng cho phóng viên trên Messenger (ứng dụng nhắn tin).
- "Em ở đâu, đi công ty của chị đi. Chi phí đi Nhật Bản giờ rất rẻ!"
- "Em đi Nhật Bản thì cọc 10 triệu đồng để anh lên hồ sơ! Liên lạc anh ngay nhé!"
- "Công ty anh có mấy đơn đi luôn, em liên lạc anh nhé. Chi phí hơn 140 triệu đồng!"
- "Em ơi công ty chị uy tín, chi phí rất rẻ hơn 100 triệu đồng/tùy đơn. Em ở đâu chị tư vấn đi. Mình học tiếng chút rồi đi em ạ",...
Hàng loạt tin nhắn như vậy đổ về điện thoại phóng viên như "ma trận".
Khi phóng viên hỏi bâng quơ về giấy phép để đưa đi xuất khẩu lao động, anh/chị có thì gửi em để tin tưởng thì đằng sau những người mời chào ở các tin nhắn trên im bặt không trả lời.
Có một môi giới trả lời lại rằng: "Công ty chị đưa đi xuất khẩu lao động 7 năm rồi. Em coi trên mạng là biết công ty chị uy tín". Tuy nhiên, khi phóng viên tra cứu trên hệ thống Cổng thông tin Cục Quản lý lao động ngoài nước và Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì công ty của môi giới này không có giấy phép và chỉ đăng ký kinh doanh chính là tư vấn du học. Nhận câu trả lời từ phóng viên từ dữ liệu tra cứu này, người môi giới lặng thinh, thả hình ảnh mỉa mai trên Messenger.
Các hội nhóm về xuất khẩu lao động trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: NGUYỄN LUẬN. |
Môi giới tư vấn đưa phóng viên đi xuất khẩu lao động Nhật Bản. Công ty mà người môi giới này nhận đưa đi xuất khẩu lao động chỉ mới thành lập được 1 tháng, vốn điều lệ 1 tỷ đồng và Công ty cũng không được phép đưa lao động đi xuất khẩu. Ảnh: NGUYỄN LUẬN. |
Qua thực tế thâm nhập, tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, các môi giới báo chi phí đi xuất khẩu lao động Nhật Bản từ 135 - 140 triệu đồng, hoặc 5.000 - 5.500 USD. Khi qua Nhật, người lao động làm việc trong các ngành, nghề như: chế biến thực phẩm, linh kiện ô tô, đúc nhựa, đóng gói, xây dựng...Môi giới báo mức lương trung bình từ 25-33 triệu đồng/tháng, có nơi lương đến 55 triệu đồng dù chưa biết sẽ làm cụ thể công việc gì. Hối phóng viên cọc tiền 10 triệu đồng để làm thủ tục.
Trong vai người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, phóng viên tiếp xúc với một cá nhân tên Thương. Người này dò hỏi phóng viên vài câu như: có xăm hình không, tốt nghiệp trình độ thế nào? Phóng viên báo tốt nghiệp THPT, không có xăm hình thì người này khẳng định “đi được nhiều đơn”.
- “Chế biến thực phẩm, linh kiện, đúc nhựa. Mấy đơn công xưởng này phí tầm 135-140 triệu đồng, đóng cho chính công ty mình. Tùy theo đơn, nhận lương trung bình từ 25-33 triệu đồng/tháng", người tên Thương tư vấn.
- "Anh có giảm thêm không, bởi hoàn cảnh khó khăn, thu phí nhiều quá?", phóng viên bày tỏ băn khoăn.
- "Đi xuất khẩu lao động chứ đâu phải đi chợ đâu mà trả giá. Trời ơi, anh hỗ trợ được gì anh hỗ trợ cho. Chủ yếu anh kiếm đơn tốt, lương cao cho em là ok rồi. Đợt 1, em cọc 10 triệu đồng để thi đơn hàng. Đợt 2, sau khi đậu đơn hàng đóng 50%. Đợt 3, ra tư cách lưu trú ở Nhật thì đóng đủ!", môi giới trấn an kèm báo cọc.
- "Lỡ đóng rồi thì không đậu có nhận lại được tiền không anh?", phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi.
- "Thi không đậu đơn không muốn đi nữa thì rút cọc em nè. Còn muốn thi đơn khác anh lấy đơn về cho em!", người môi giới nói.
Rời cuộc nói chuyện với môi giới tên Thương, phóng viên quan sát, thấy trên dòng thời gian Facebook cá nhân người này xuất hiện nhiều hình ảnh đăng đơn hàng đi Nhật, đưa tiễn tại sân bay.
Theo dữ liệu của phóng viên, Công ty mà người môi giới tên Thương này nhận đưa đi xuất khẩu lao động chỉ mới thành lập được 1 tháng, vốn điều lệ 1 tỷ đồng và Công ty không được phép đưa lao động đi xuất khẩu.
Không chỉ trường hợp trên, phóng viên còn tiếp xúc với một môi giới tư vấn, khẳng định đưa được người lao động đi xuất khẩu Nhật Bản. Trên Fanpage Facebook người tư vấn này đăng tải loạt hình ảnh, video về nhiều trường hợp đã đưa đi xuất khẩu lao động, thực tập sinh.
Trong vai là người 30 tuổi, không xăm hình, tốt nghiệp THPT, phóng viên được người môi giới tư vấn: “Bạn được tham gia các đơn hàng công xưởng như ô tô, đóng gói, nhựa, đúc kim loại và tất cả các ngành thuộc xây dựng. Đối với chương trình xuất khẩu lao động, sẽ xuất cảnh sau 4-6 tháng tính từ thời điểm trúng tuyển.
Chi phí đơn hàng tùy đơn tuyển, bên mình đang thu phí từ 5000 - 5.500 USD. Chia làm 3 đợt đóng, cụ thể, đợt 1 cọc đảm bảo 10 triệu khi đăng ký thi tuyển; đợt 2 đóng 60% phí đơn hàng (trừ cọc); đợt 3 đóng số tiền còn lại khi có thông báo có tư cách lưu trú tại Nhật (COE)”.
Tuy nhiên, qua dữ liệu mà phóng viên có được, công ty mà môi giới tư vấn đăng ký kinh doanh chính là dịch vụ hỗ trợ giáo dục, chi tiết là tư vấn du học. Ngoài ra, không có chức năng đưa lao động đi xuất khẩu. Công ty này có vốn điều lệ 2 tỷ đồng.
Đến đâu để nghe tư vấn, đi xuất khẩu lao động an toàn?
Theo khuyến cáo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) các tỉnh, thành, người lao động cần tìm tới Phòng LĐ&TB-XH thuộc UBND cấp quận, huyện hoặc Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ&TB-XH nơi người lao động cư trú - đây là nơi có tư vấn về các chương trình xuất khẩu lao động.
Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở LĐ&TB-XH còn là nơi giới thiệu việc làm, thu thập, phân tích, dự báo và cung cấp thông tin thị trường lao động. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và đào tạo nghề cho người lao động có nhu cầu.
Thứ hai, người lao động hãy truy cập website của Trung tâm Lao động ngoài nước là colab.gov.vn để tìm hiểu thông tin chính xác về xuất khẩu lao động.
Trung tâm Lao động ngoài nước là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH, có chức năng tuyển chọn, đào tạo và đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Luật cấp phép việc làm cho người lao động nước ngoài của Hàn Quốc (gọi tắt là chương trình EPS); thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật và lao động ngành xây dựng, đóng tàu đi làm việc tại Nhật Bản theo thỏa thuận giữa Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (gọi tắt là IM Japan); đưa lao động Việt Nam sang học tập và làm việc trong ngành điều dưỡng, chăm sóc người già tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Giữa tháng 3/2024, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng đã có khuyến cáo: Người dân, đặc biệt là những người lao động có nhu cầu đi nước ngoài làm việc, cần hết sức tỉnh táo và cảnh giác trước hình thức lừa đảo trên. Người dân khi có nhu cầu làm visa lao động cần tra cứu các doanh nghiệp dịch vụ được cấp giấy phép tại Cục Quản lý lao động ngoài nước – Bộ LĐ-TB&XH thông qua địa chỉ website www.dolab.gov.vn. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân: CCCD, CMND, mã OTP, số thẻ ngân hàng,... cho bất kỳ ai hoặc trên bất kỳ trang web lạ nào.
"Khi phát hiện ra dấu hiệu hoặc đã trở thành nạn nhân của những trường hợp lừa đảo, người dân cần nhanh chóng tố giác các hành vi lừa đảo đến các cơ quan có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại, đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình", Cục An toàn thông tin khuyến cáo.
Còn lãnh đạo một Sở LĐ-TB&XH khuyến cáo rằng: người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tìm hiểu thông tin có liên quan. Người lao động tuyệt đối không tin tưởng vào các thông tin mời chào, hứa hẹn về việc làm trên các Website, Facebook, Zalo không chính thống và không giao dịch liên hệ với các tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
(Hướng dẫn người lao động tra cứu doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu lao động hay không. Video: NGUYỄN LUẬN)
Người lao động bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến xuất khẩu lao độngĐầu tháng 2 vừa qua, cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Quang Anh (SN 1977, trú tại xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo điều tra ban đầu, năm 2022, Trần Quang Anh thành lập Công ty CP Phát triển Nhân lực Quốc tế A&H (Công ty A&H). Trần Quang Anh đưa ra nhiều thông tin gian dối như Công ty A&H có chức năng tuyển dụng người đi xuất khẩu lao động, tư vấn du học và liên kết với nhiều công ty có năng lực lớn trong lĩnh vực xuất khẩu lao động ở Hà Nội. Tin tưởng vào các thông tin mà Trần Quang Anh đưa ra nên có nhiều người trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đăng ký, làm hồ sơ, thủ tục đi xuất khẩu lao động, du học các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ tháng 10/2022 đến nay, Trần Quang Anh đã chiếm đoạt tiền của 14 lao động với tổng số tiền là 820 triệu đồng. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án. Trước đó, tháng 12/2023, Cơ quan CSĐT, Công an huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) cũng đã khởi tố Nguyễn Hoàng Huy (SN 2000, trú ấp An Bình, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Theo công bố điều tra thời điểm đó, Nguyễn Hoàng Huy khai nhận từ tháng 8/2023 đến khi bị khởi tố, do cần tiền để tiêu xài cá nhân nên đã lập nhiều tài khoản Facebook, Zalo ảo cùng các sim rác, tài khoản ngân hàng rác để đăng tải các bài viết lên các hội, nhóm trên không gian mạng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Nguyễn Hoàng Huy đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại tại nhiều địa phương với số tiền trên 300 triệu đồng. |
Các doanh nghiệp không tuyển chọn, đưa lao động đi làm theo thị thực E-9-5 tại Hàn Quốc Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ban hành công văn đề nghị các doanh nghiệp dịch vụ không ký hợp đồng, tuyển chọn ... |