Ngân hàng bán bảo hiểm cần bàn biện pháp để ứng xử văn minh, đúng quy định
Chuyên gia nói gì về mục tiêu lợi nhuận của các ngân hàng năm 2023? |
Tổng Thư ký VNBA, ông Nguyễn Quốc Hùng nhận định, năm 2023 là năm các tổ chức tín dụng đối diện nhiều khó khăn, thách thức như như khả năng nợ xấu tăng cao, thị trường trái phiếu không ổn định gây ảnh hưởng đến khoản nợ đến doanh nghiệp vừa nợ ngân hàng, vừa liên quan đến trái phiếu.
Vì vậy, sắp tới nhiều ngân hàng họp đại hội cổ đông năm 2023 cũng cần rà soát lại các hoạt động liên quan để để đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận phù hợp.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, dù việc bán bảo hiểm không phải là nguồn thu chủ lực của các tổ chức tín dụng nhưng cũng ảnh hưởng phần nào đến kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2023.
Ông cho hay, giai đoạn dịch Covid-19 là giai đoạn bán bảo hiểm và phát hành trái phiếu mạnh nhất khi lãi suất tiền gửi ngân hàng khá thấp. Kỳ vọng của các tổ chức tín dụng giới thiệu các sản phẩm này với khách hàng khi tiền gửi tín dụng thấp quá thì có thể rút để đầu tư vào lĩnh vực nào đó như bảo hiểm.
Trả lời phóng viên Nhịp sống Doanh nghiệp về vấn đề này, ông Hùng cho biết: “Thời gian vừa qua có thông tin một số ngân hàng “ép” người vay mua bảo hiểm. Tôi cho rằng, việc “ép” mua bảo hiểm không phải không có khả năng, nhưng “bắt quả tang” ngân hàng bán bảo hiểm thì cũng khó. Tuy nhiên, công luận đưa lên thì đây là thông tin mà các ngân hàng cần xem xét, rà soát lại. Bản chất ngân hàng là làm dịch vụ, đâu phải là việc “ép” người mua, cho vay mà lại liên kết với bảo hiểm, ra điều kiện nọ, điều kiện kia thì cần phải chấn chỉnh và xem bản chất của nó là như thế nào...
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng yêu cầu các doanh nghiệp, cá nhân vay vốn mua bảo hiểm bởi vì cũng đề phòng khó khăn dẫn đến phát sinh bảo hiểm kho hàng, bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm thân thể để bảo toàn vốn cho tổ chức tín dụng. Còn đối với bảo hiểm nhân thọ thì tuyệt đối cấm. Đây là bảo hiểm tự nguyện của khách hàng vì không thể gắn khoản vay với việc bán bảo hiểm nhân thọ”.
Tổng Thư ký VNBA, ông Nguyễn Quốc Hùng. |
Cùng với đó, ông cũng khuyến cáo các bên ngân hàng, người dân cũng như các tổ chức bảo hiểm cần có trách nhiệm khi tư vấn và quyết định đặt bút kí với hợp đồng bảo hiểm.
Về vấn đề này, ông Hùng phân tích rõ, các ngân hàng muốn phân phối bảo hiểm cũng cần hiểu lợi ích bảo hiểm như nào, các khả năng xảy ra để giải thích cho người dân hiểu để khi tham gia bảo hiểm người dân sẽ cảm thấy thoải mái. Đồng thời, ngân hàng cũng cần chấn chỉnh, bàn biện pháp để ứng xử văn minh, đúng quy định của pháp luật.
Về phía người dân, khi mua bảo hiểm thay vì tiền gửi tiết kiệm cũng cần hiểu rõ về sản phẩm này, đặc biệt về yếu tổ thời gian kéo dài của sản phẩm. Sản phẩm bảo hiểm này cũng có những rủi ro nên mới có chuyện khi dân quay lại muốn rút tiền thì không được bởi không đúng những điều kiện cam kết trong hợp đồng. Nhưng theo luật dân sự đã cam kết trong hợp đồng thì phải tổ chức thực hiện. Điều này dẫn đến người dân không bằng lòng, bức xúc.
Vị Tổng Thư ký đưa ra khuyến cáo, người dân khi mua bảo hiểm thông qua ngân hàng hoặc mua bảo hiểm trực tiếp từ các đại lý bảo hiểm cũng cần nghiên cứu thật kĩ những điều khoản trong hợp đồng để quyết định tham gia hay không.
Đối với các tổ chức bảo hiểm cần có trách nhiệm truyền thông đầy đủ về lợi ích cũng như rủi ro của lĩnh vực bảo hiểm, thay vì bán bảo hiểm bằng mọi giá.
Hiện tại, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã chủ động xử lý các vấn đề liên quan đến liên kết bán bảo hiểm qua ngân hàng bằng việc thanh tra, kiểm tra. “Các cơ quan nhà nước đã vào cuộc thì tôi tin rằng ở hoạt động này, những gì có thể chưa phù hợp chắc chắn sẽ được chấn chỉnh phù hợp”, vị Tổng Thư ký bày tỏ.
Bán bảo hiểm nhân thọ dưới hình thức gửi tiết kiệm: nhìn từ góc độ pháp lý Bán bảo hiểm nhưng “đội lốt” gửi tiết kiệm đầu tư với mức lãi suất hấp dẫn là từ khóa đang được rất nhiều cơ ... |