6 tháng đầu năm, cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị
Nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới |
Ảnh minh hoạ. |
Bộ Xây dựng vừa tổ chức họp báo thông tin về công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2023 vào ngày 13/6. Qua đó, Bộ có báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm 2023 và đề xuất phương hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023.
Theo báo cáo, về công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, trên địa bàn cả nước đến nay đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000 m2. Đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích khoảng 22.565.000 m2.
Về việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, tính từ đầu năm 2022 đến nay, tổng số lượng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp đã khởi công là 20 dự án với tổng số khoảng 37.791 căn, Cụ thể: Nhà ở xã hội: 17 dự án quy mô 34.431 căn; Nhà ở công nhân: 3 dự án quy mô 3.360.
Về Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, ngày 3/4, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tại Quyết định số 338/QĐ-TTg. Bộ Xây dựng đã và đang tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các Bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện Đề án.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn đối tượng, điều kiện của khách hàng và chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng thông qua 4 Ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.
Bộ tiếp tục thực hiện công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản Quý I, Quý II/2023; Triển khai thực hiện nhiệm vụ của Thường trực Tổ công tác (thành lập theo Quyết định 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022).
Bộ Xây dựng ước tính sản lượng sản xuất và tiêu thụ một số vật liệu xây dựng chủ yếu 6 tháng đầu năm 2023 và so với cùng kỳ về cơ bản giảm. Trong đó, sản lượng sản xuất xi măng đạt 39 triệu tấn, giảm 7%; tiêu thụ đạt 43 triệu tấn, giảm 10%. Trong đó, xi măng tiêu thụ nội địa đạt 29 triệu tấn, giảm 8%; xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker đạt 14 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Sản lượng sản xuất gạch ốp lát đạt khoảng 191 triệu m2, giảm khoảng 10%; sản lượng tiêu thụ khoảng 193 triệu m2, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Về kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của ngành Xây dựng 06 tháng đầu năm 2023 (so với năm 2022) như sau: Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt trên 41.7% (tăng 0,7 % so với cùng kỳ năm 2022); Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung: 95,1% (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022).
Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm còn: 16,3% (giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2022); Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom: 16,3% (tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022).
Ngoài ra, về công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, tổng số hồ sơ Bộ tiếp nhận thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và Thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở là 295 dự án, đã xử lý là 225 dự án, Bên cạnh đó, Bộ đã cấp 495 chứng chỉ năng lực cho tổ chức hạng I và cấp 1.160 chứng chỉ hành nghề cho cá nhân hạng I; Cấp 22 giấy phép cho nhà thầu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Tiếp nhận thẩm định 84 hồ sơ dự án (trong đó 44 hồ sơ thẩm định tổng mức đầu tư, 40 hồ sơ thẩm định dự toán xây dựng công trình); đã ban hành thông báo kết quả thẩm định 44 dự án (trong đó có 26 thông báo kết quả thẩm định tổng mức đầu tư, 18 thông báo kết quả thẩm định dự toán xây dựng công trình) các dự án còn lại đang thực hiện thẩm định đúng tiến độ.
Về thực hiện kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước, Bộ Xây dựng cho biết, tổng số vốn đầu tư công được giao cho Bộ Xây dựng trong năm 2023 là 767,45 tỷ đồng. Ước lũy kế thanh toán vốn từ đầu năm 2023 đến hết tháng báo cáo là 41,16 tỷ đồng/477,51 tỷ đồng; đạt 8,6% kế hoạch vốn Bộ đã giao. Trong đó, giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 là 33,16 tỷ đồng/286 tỷ đồng, đạt 11,6% kế hoạch.
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ đặt nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật theo chương trình, kế hoạch được giao, trọng tâm là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Trình Chính phủ đề xuất các Luật điều chỉnh về Quản lý, phát triển đô thị; Cấp thoát nước; khẩn trương xây dựng Luật Quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn để trình Quốc hội kỳ họp thứ 7 năm 2024; các văn bản pháp luật theo Chương trình xây dựng văn bản QPPL năm 2023 của Bộ….
Đồng thời, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chuyên môn theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, đảm bảo chất lượng, tiến độ đề ra.
Những dự án BĐS có vốn đầu tư nước ngoài nằm trong danh sách kiểm tra tại Hà Nội |