Đề nghị mở rộng nghề có thể tiếp nhận lao động Việt Nam sang Ả-rập Xê-út làm việc
Hiện nay có khoảng 5.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Ả-rập Xê-út, chủ yếu là lao động giúp việc gia đình, xây dựng, dịch vụ nhà hàng. Nguồn ảnh minh họa: COLAB. |
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung có buổi tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ả-rập Xê-út tại Việt Nam Mohammed Ismaeil A. Dahlwy nhằm trao đổi những vấn đề liên quan đến thúc đẩy hợp tác quan hệ lao động giữa hai nước, theo Bộ LĐ-TB&XH.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, Việt Nam và Ả-rập Xê-út là có tiềm năng rất lớn nếu hai bên thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác ngoại giao, qua đó sẽ tạo ra cơ hội không chỉ cho kinh tế mà còn là cơ hội cho các lĩnh vực về xã hội và lao động, việc làm.
Nhắc lại về cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng hai nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, cả hai lãnh đạo đều chung quan điểm cho rằng tiềm năng phát triển quan hệ lao động giữa hai nước là rất lớn, tuy nhiên lại chưa khai thác được những kết quả tương xứng, đặc biệt trong vấn đề hợp tác nhân lực về đào tạo nghề.
Theo thống kê, hiện nay có khoảng 5.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Ả-rập Xê-út, chủ yếu là lao động giúp việc gia đình, xây dựng, dịch vụ nhà hàng.
"Đây là con số chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác phát triển của hai nước, một phần nguyên nhân liên quan đến thể chế pháp luật và khoảng cách địa lý giữa hai nước", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Trong thời gian tới, để có thể đẩy mạnh hơn số lao động Việt Nam chất lượng cao sang làm việc tại Ả-rập Xê-út, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị hai nước cần ngồi xuống bàn bạc, có cách nhìn tương đồng về thể chế, pháp luật đưa và tiếp nhận lao động; phía Ả-rập Xê-út cần hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc; làm rõ các nội dung liên quan đến chế độ lương, thưởng đối với người lao động Việt Nam.
Đồng thời, cần chỉnh sửa nội dung Hiệp định tuyển dụng lao động giúp việc gia đình được ký kết vào năm 2014, mở rộng các lĩnh vực nghề mà hai bên có thể hợp tác và là thế mạnh của lao động Việt Nam như lĩnh vực công nghiệp, khai thác dầu khí, cơ khí,…
Đại sứ Mohammed Ismaeil A. Dahlwy cảm ơn và đồng tình về những thông tin Bộ trưởng đã chia sẻ. Trên cương vị của mình, ngài Đại sứ cũng tin tưởng rằng, sẽ đảm bảo cố gắng làm đầu mối thông tin tốt nhất, ủng hộ thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út, trong đó có hợp tác lao động.
Đồng thời, ngài Đại sứ khẳng định đất nước, người dân Ả-rập Xê-út luôn tôn trọng những người lao động Việt Nam và đánh giá họ là những người trân thành, trung thực, yêu giá trị của lao động.
Nhịp sống Doanh nghiệp cập nhật, gần đây nhất, ngày 19/10/2023, sau khi cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cấp cao Việt Nam dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ả-rập Xê-út tại Thủ đô Riyadh, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã gặp mặt các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam và doanh nghiệp tuyển dụng lao động Việt Nam làm việc tại Ả-rập Xê-út.
Tại đây, Trưởng Ban thị trường Trung Đông Nguyễn Trần Thăng cho biết, lao động Việt Nam được Ả-rập Xê-út đánh giá cao về ý thức trách nhiệm, sự chăm chỉ, khéo léo và chủ động trong công việc.
Tại một thông tin công bố bởi Bộ LĐ-TB&XH gần nhất tháng 4/2018, cho biết: Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Ả-rập Xê-út từ tháng 8/2003, nhưng đến cuối năm 2006, từ khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương mở rộng đưa lao động Việt Nam sang làm việc có thời hạn tại thị trường này thì việc đưa lao động sang làm việc tại Ả-rập Xê-út mới thực sự phát triển.
Từ năm 2006 đến 2018, có khoảng 60 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại thị trường này.
Xem thêm Tin nóng Bảo hiểm Xã hội: Trách nhiệm chốt sổ Bảo hiểm Xã hội thuộc về người sử dụng lao động
Yêu cầu doanh nghiệp bảo đảm an toàn cho người lao động khi có động đất tại Đài Loan Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc tại Đài ... |
Một doanh nghiệp thủy hải sản lớn có nguy cơ hàng trăm người lao động sẽ mất việc làm Theo dự thảo báo cáo gửi Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024 của Công ty CP Kinh doanh Thủy hải sản Sài ... |
Các doanh nghiệp không tuyển chọn, đưa lao động đi làm theo thị thực E-9-5 tại Hàn Quốc Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ban hành công văn đề nghị các doanh nghiệp dịch vụ không ký hợp đồng, tuyển chọn ... |