Đề xuất ngân hàng cho doanh nghiệp vay trả nợ trái phiếu: Không hợp lý
Ngân hàng nào có dư nợ tín dụng bất động sản lớn nhất? |
Nhận thấy tại thời điểm hiện nay khó khăn lớn nhất nổi lên của doanh nghiệp bất động sản là tình trạng thiếu “dòng tiền”, thiếu “thanh khoản” nghiêm trọng, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số giải pháp về tín dụng và chuyển nhượng dự án để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Nổi bật nhất là đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn. Đối tượng là các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn có tài sản bảo đảm, có dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất.
Trong đó, khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị gói trái phiếu đã phát hành và ngân hàng thương mại được phép nhận thế chấp bằng chính gói trái phiếu này và các tài sản bảo đảm để phát hành gói trái phiếu đó theo phương thức ngân hàng thương mại giải ngân trực tiếp đến các “trái chủ”. Đối với phần 30% giá trị gói trái phiếu đã phát hành còn lại thì doanh nghiệp và các “trái chủ” thỏa thuận đàm phán với nhau theo quy định tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP.
Ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế |
Bàn về vấn đề này với Nhịp sống Doanh nghiệp, ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, đề xuất cho doanh nghiệp vay ngân hàng để trả nợ trái phiếu là không hợp lý. Vị chuyên gia phân tích: "Không ngân hàng nào dám cho doanh nghiệp không có khả năng trả nợ vay. Ngân hàng kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, khi họ bỏ tiền ra phải xác định thu hồi được cả vốn và lãi, có tài sản đảm bảo đúng quy định của Nhà nước và tỷ lệ rủi ro của tài sản. Phải đáp ứng các yêu cầu trên thì ngân hàng mới cho vay".
Đồng thời, đề xuất này khó được chấp nhận bởi vì không đáp ứng được quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng như mong muốn của bất kỳ ngân hàng nào, đó là cho vay phải đảm bảo rủi ro ở mức thấp nhất. Cho vay phải có tài sản đảm bảo, khả năng thu hồi nợ vì vậy các ngân hàng không dám cho vay.
HoREA đề xuất ngân hàng cho doanh nghiệp vay để trả nợ trái phiếu |
Trước thực tế các doanh nghiệp thiếu dòng tiền và thiếu thanh khoản, ông Thịnh cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản cần phải tự tạo thanh khoản và dòng tiền bằng cách giảm thiểu và thanh lý các dự án đang đầu tư một cách dàn trải, không hiệu quả. Từ đó, tập trung đầu tư vào các dự án cụ thể, đạt hiệu quả.
Với tài sản đang có hoặc bất động sản có thể hoàn thành để bán, doanh nghiệp phải xem xét đưa ra mức giá phù hợp với mức giá của thị trường. Bên cạnh đó, cần tái cấu trúc lại giá cả, nếu cứ giữ mức giá cao bị đẩy lên như thời gian qua thì khó bán.
Thay vì đầu tư 5 đến 10, thậm chí 50 dự án thì gom lại một vài dự án dứt điểm lúc đó mới có được tài sản để bán. Đề xuất như là mong muốn chuyển nợ từ những nhà đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản sang hệ thống ngân hàng như vậy, không khiến dòng tiền vào các doanh nghiệp bất động sản tăng lên hay nâng tính thanh khoản của các sản phẩm bất động sản.
HoREA đề xuất một số giải pháp về tín dụng gỡ khó cho thị trường bất động sản |