HoREA đề xuất một số giải pháp về tín dụng gỡ khó cho thị trường bất động sản Thu hút FDI quý 1 giảm gần 40%, vắng các dự án tầm cỡ "Lãi suất vay 8,2%/năm cho người mua nhà ở xã hội vẫn rất cao" |
BĐS là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư FDI
Hội thảo "Khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài cho thị trường bất động sản trong bối cảnh mới". Ảnh: Tạp chí Nhà đầu tư |
Sáng 7/4, đã diễn ra hội thảo "Khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài cho thị trường BĐS trong bối cảnh mới" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã trình bày tham luận với nội dung: Giải pháp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực BĐS.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, trong những năm qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được coi là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài không ngừng tạo lập và củng cố niềm tin, đồng hành cùng sự điều hành của Chính phủ, tiếp tục mở rộng hợp tác đầu tư vào Việt Nam.
BĐS vẫn luôn là ngành kinh tế mũi nhọn với sức tăng trưởng ổn định và bền vững tại Việt Nam. Không chỉ BĐS công nghiệp mà cả các phân khúc nhà ở, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… cũng đang là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư ngoài.
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế thì Việt Nam vẫn là điểm sáng về thu hút vốn FDI. Lượng FDI vào các ngành và lĩnh vực BĐS đang được cải thiện khi Việt Nam cũng như các nước đã trở lại trạng thái bình thường sau đại dịch,...
Tính đến hiện tại, có 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Thu hút FDI cả nước đạt hơn 440,5 tỉ USD, trong đó đầu tư vào lĩnh vực BĐS đạt 66,4 tỉ USD, chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư.
BĐS là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Có 48 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh BĐS, dẫn đầu đầu tư là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, British VirginIslands và Nhật Bản.
Nếu xét về địa phương, 45 tỉnh/thành phố có đầu tư FDI vào lĩnh vực BĐS, trong đó TP. HCM dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 16 tỉ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Về quy mô dự án, phần lớn doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực BĐS tại Việt Nam có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn. Nhiều dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực BĐS có quy mô lên đến hàng tỉ USD.
Những vấn đề cần giải quyết để thu hút vốn FDI
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, để thu hút FDI vào thị trường BĐS Việt Nam, cần tập trung giải quyết một số vấn đề sau:
Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường BĐS, đặc biệt là loại hình BĐS mới (thành phố thông minh, BĐS nghỉ dưỡng, BĐS kết hợp với chăm sóc sức khỏe, condotel, officetel ..) phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Thứ hai, điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển thị trường BĐS. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường BĐS.
Tiếp đó, khẩn trương ban hành và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch để đảm bảo phân bố hợp lý, tương ứng với sự phát triển của cơ sở hạ tầng. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng để tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường BĐS.
Bên cạnh đó, chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, đồng thời đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.
Mặt khác, nên phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn, công ty luật, ngân hàng, quỹ đầu tư để lên danh sách các nhà đầu tư tiềm năng đang quan tâm đến Việt Nam trong BĐS. Vận dụng các kênh ngoại giao cấp cao hoặc các kênh có tính ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư để tác động, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này.
Cuối cùng, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả công tác cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án FDI vào lĩnh vực BĐS nhằm lựa chọn các dự án có chất lượng phù hợp, tránh dự án đầu tư ảo, dự án chậm triển khai,...
“BĐS không phải là mạch máu thông thường mà là động mạch phát triển, làm sao chúng ta lành mạnh hóa việc thu hút dòng vốn vào thị trường này là một trong những vấn đề cốt lõi. Đối với người dân, an cư là yếu tố hàng đầu, sau đó mới lạc nghiệp, nên thị trường BĐS phải phục hồi thì nền kinh tế mới có thể phục hồi. Một sự thay đổi chậm sẽ phải trả giá bằng sự thụt lùi tăng trưởng”, ông Nguyễn Anh Tuấn ý kiến.
Ngành kinh doanh BĐS hút gần 766 triệu USD trong quý I/2023 Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20/3/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 5,45 tỉ USD, bằng 61,2% so với cùng kỳ. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng hơn 4,3 tỉ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2022. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 4 tỉ USD, chiếm 73% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 25% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh BĐS đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 766 triệu USD, chiếm gần 14,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và giảm 71,6% so với cùng kỳ. |
“Không có khả năng Trung Quốc mở cửa trở lại làm giảm sức hấp dẫn FDI vào Việt Nam” Chuyên gia VinaCapital nêu hai lý do chính để đưa ra nhận định không có khả năng Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ làm ... |
"Việt Nam sẽ là một điểm đến hoàn hảo" Vốn FDI vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng cao khi Việt Nam đang dần vươn lên trở thành công xưởng mới của thế ... |
Thu hút FDI quý 1 giảm gần 40%, vắng các dự án tầm cỡ Tới cuối tháng 3, Việt Nam thu hút được gần 5,45 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ bằng 61,2% so ... |