“Novaland đang có hơn 25.000 tỷ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại” |
Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) vừa công bố thông tin về việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản và điều kiện của trái phiếu mã NVLH222006. Theo đó, Novaland đã đưa ra hai phương án thay đổi việc thanh toán gốc lãi đối với lô trái phiếu có giá trị 1.500 tỷ đồng này.
Với phương án 1, Novaland đưa ra giải pháp tiền gốc trái phiếu sẽ được công ty thanh toán chậm nhất vào ngày tròn 24 tháng kể từ ngày đáo hạn trái phiếu. Tiền lãi phát sinh trong thời gian thanh toán nợ được tính bằng mức lãi suất trái phiếu theo quy định tại các điều khoản và điều kiện của trái phiếu. Còn khoản nợ sẽ được thanh toán một lần vào ngày cuối cùng của thời gian thanh toán nợ.
Đối với phương án 2, Novaland sẽ thanh toán trái phiếu bằng tài sản (sản phẩm bất động sản, quyền tài sản liên quan đến sản phẩm bất động sản) thuộc một dự án do công ty con của Novaland làm chủ đầu tư.
Được biết, lô trái phiếu NVLH222006 được phát hành vào tháng 3/2022, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo bằng VND. Kỳ hạn trái phiếu là 2 năm, theo kế hoạch sẽ đáo hạn vào tháng 3/2024. Tổng mệnh giá phát hành là 1.500 tỷ đồng. Bên đại diện người sở hữu trái phiếu là Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI).
Novaland đã đưa ra hai phương án thay đổi việc thanh toán gốc lãi đối với lô trái phiếu có giá trị 1.500 tỷ đồng này. Ảnh minh hoạ |
Trước đó, với lô trái phiếu NVLH2123009 phát hành ngày 12/8/2021, NVL cũng đề xuất 2 phương án là giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu trong thời gian phù hợp, hoặc hoán đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm bất động sản do doanh nghiệp đang đầu tư và phát triển.
Liên quan đến vấn đề này, PSI (Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí) đã thông báo nhấn mạnh việc Novaland trễ hẹn thanh toán lô trái phiếu NVLH2123009, dẫn đến vi phạm chéo đối với hai lô trái phiếu khác trong đó có lô trái phiếu mã NVLH2224006.
Vào giữa tháng 2, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Novaland cho biết, Novaland đang có 25.000 tỷ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại, trong đó theo các điều kiện tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải tỏa khi Novaland hoàn thiện được một số thủ tục pháp lý.
Nếu trong vòng 1 - 2 tháng tới vấn đề này được giải quyết, doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động bình thường. Lãnh đạo Novaland đề xuất giảm lãi suất cho vay, ngân hàng giảm biên lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp.
Về vấn đề trái phiếu, lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng Chính phủ cần ban hành sớm dự thảo sửa đổi Nghị định 65. Việc tháo gỡ pháp lý dự án sẽ giúp giảm giá thành sản phẩm. Novaland đề nghị Thủ tướng khẩn cấp xem xét các kiến nghị của doanh nghiệp như cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên các nhóm nợ cho các dự án bất động sản trong 2 - 3 năm; chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án trên địa bàn cả nước.
Novaland muốn chào bán gần 2,9 tỷ cổ phiếu để cơ cấu nợ, thanh toán lương cho nhân viên |