Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Khó khăn bủa vây với việc điều hành chính sách tiền tệ
Vì sao giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội chậm chạp? |
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: SBV |
Ngày 19/6, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024. Hội nghị do Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đồng chủ trì.
Hội nghị được tổ chức nhằm đẩy mạnh triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phấn đấu đạt mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như theo mục tiêu NHNN đã đề ra tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngay từ đầu năm.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, chỉ còn hai tuần nữa là kết thúc nửa chặng đường 2024, năm mà nền kinh tế Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc trách nhiệm của các Bộ, ngành, của NHNN, nỗ lực của doanh nghiệp, người dân, kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 đã có xu hướng phục hồi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thuộc mức cao trong khu vực Châu Á, lạm phát được kiểm soát, dự báo vẫn ở trong vùng mục tiêu Quốc hội đề ra và Chính phủ quyết tâm thực hiện.
Đối với hoạt động ngân hàng, theo Thống đốc, các NHTW trên thế giới vẫn chờ đợi hành động của FED khi cơ quan này vẫn chưa khẳng định thời điểm giảm lãi suất. Ở trong nước, khó khăn bủa vây đối với việc điều hành chính sách tiền tệ. Trước tình hình đó, NHNN đã theo sát diễn biến trong và ngoài nước, để từ đó đề ra những biện pháp xử lý phù hợp với từng yếu tố, từng giai đoạn, góp phần thúc đẩy tín dụng điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường ngoại hối, vàng. Chính vì vậy, công tác điều hành chính sách tiền tệ được Chính phủ đánh giá cao, cơ bản đạt được kết quả đề ra.
Thống đốc cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt đối với hệ thống ngân hàng, trong đó vấn đề tín dụng được đề cập tới nhiều. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 14/6, tín dụng tăng 3,79%. Theo yêu cầu của Thủ tướng hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5-6%, cả năm đạt 15-16% theo mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng vẫn phải kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh, đồng hành cùng quá trình cam kết tiến đến Net zero vào năm 2050...
Đối với vấn đề tín dụng, Thống đốc cho biết, Ban Lãnh đạo NHNN rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Ban lãnh đạo NHNN đã có những chuyến công tác và làm việc với địa phương và có nhiều văn bản chỉ đạo. Tính từ đầu năm, NHNN đã ban hành 08 văn bản (gồm 01 Chỉ thị, 01 Quyết định, 01 Thông báo, 05 Công văn) chỉ đạo toàn hệ thống về công tác tín dụng. Tổ chức những hội nghị ở Trung ương cũng như ở Chi nhánh NHNN các tỉnh/thành phố, tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, người dân, giải quyết các vấn đề liên quan tới lãi suất, tín dụng.
Cùng với đó, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp từ hoàn thiện cơ chế, chính sách đến công tác chỉ đạo điều hành hoạt động tín dụng, lãi suất, đẩy mạnh giải ngân các chương trình, chính sách tín dụng. Đặc biệt, nâng quy mô gói tín dụng lâm sản, thủy sản lên 30.000 tỷ đồng; đang đề xuất sửa đổi chương trình 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi hơn.
Mặc dù ngành Ngân hàng nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhưng đến thời điểm này tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Do vậy, Thống đốc đề nghị Hội nghị tập trung làm rõ một số điểm sau:
Một là, đánh giá nguyên nhân tín dụng tăng chậm, phân tích những tồn tại, hạn chế nào đã được khắc phục, chưa khắc phục được và dự đoán những khó khăn, thách thức có thể phát sinh trong việc triển khai công tác tín dụng thời gian tới.
Hai là, làm rõ tăng trưởng tín dụng đã thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chưa, đã tập trung vào những động lực tăng trưởng kinh tế hay chưa, những động lực nào có/khó khả năng, tiềm năng để thúc đẩy và qua đó chỉ rõ nguyên nhân, giải pháp; Đặc biệt, không chỉ trong ngắn hạn, chúng ta phải đánh giá, chuẩn bị từ sớm, từ xa những yêu cầu về tín dụng xanh, về tín dụng đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện đối với môi trường, biến đổi khí hậu để chúng ta có những giải pháp sớm ngay từ bây giờ.
Ba là, đánh giá khả năng tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới dựa trên những đánh giá phân tích, dự báo tình hình, có khó khăn và thách thức gì.
Bốn là, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt phải tăng trưởng tín dụng, nhưng vẫn phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng đúng, trúng, kiểm soát được rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Làm thế nào để vừa tăng trưởng tín dụng, làm thế nào để thực hiện yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì các giải pháp cần gì từ phía NHNN, các TCTD và từ phía các bộ, ngành có liên quan; Đồng thời làm rõ các kiến nghị đối với Chính phủ; Tín dụng gắn với ngân hàng, nhưng tín dụng cho doanh nghiệp và người dân mà doanh nghiệp và người dân chịu tác động rất nhiều từ cơ chế, chính sách, tác động của kinh tế thế giới và trong nước cho nên giải quyết vấn đề tín dụng không chỉ cần sự cố gắng của riêng ngành Ngân hàng mà cần rất nhiều giải pháp từ phía các bộ, ngành.
Năm là, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách đến người dân; làm rõ thực trạng, khó khăn của công tác tín dụng để có đánh giá khách quan, toàn diện để thấy được hệ thống ngân hàng nhận diện được chúng ta phải làm gì và các cơ quan liên quan cũng thấy được những vấn đề nào gây cản trở hoặc ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng để các cơ quan này có những giải pháp phù hợp…
Sáu là, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế tổng hợp kết quả Hội nghị, tham mưu các giải pháp chính sách, báo cáo Ban Lãnh đạo NHNN để tiếp tục có các giải pháp chỉ đạo trong thời gian tới.
Vì sao giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội chậm chạp? Bộ trưởng Bộ trưởng Xây dựng đánh giá, việc giải ngân gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm, “chưa thực ... |