Tiếp tục cảnh báo việc lừa đảo xuất khẩu lao động trên môi trường mạng |
Cảnh giác với những quảng cáo việc làm quá dễ dàng lại có thu nhập hấp dẫn trên mạng xã hội. Ảnh minh họa |
Theo thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông) ghi nhận gần 17.400 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến hướng đến người dùng Internet Việt Nam. Trong Quý I năm 2024, tiếp nhận hơn 4.100 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng Internet Việt Nam gửi đến. Trong đó, lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên "việc nhẹ lương cao" - giả mạo các doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử để chiếm đoạt tài sản vẫn là một trong hình thức lừa đảo phổ biến và ngày càng tinh vi khiến nhiều nạn nhân sập bẫy, ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và tài sản của người lao động.
Theo đánh giá của cơ quan Công an, chiêu trò mạo danh thương hiệu lớn để tuyển dụng, lừa đảo người lao động ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau.
Thủ đoạn của các đối tượng thường là lập các website, trang mạng xã hội giả mạo doanh nghiệp, sau đó sử dụng website, trang mạng xã hội này giả mạo này để đăng tải thông tin giả về việc tuyển dụng nhân sự nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền đăng ký tuyển dụng nhân sự của các cá nhân có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, kẻ mạo danh còn yêu cầu ứng viên tham gia vào nhiều hội, nhóm chat trên nền tảng Telegram để thực hiện phỏng vấn. Tiếp đó, kẻ xấu yêu cầu ứng viên tải thêm nhiều ứng dụng khác, tạo tài khoản trên các trang web xổ số, các trang thương mại điện tử… để thực hiện chuyển tiền trực tuyến vào tài khoản của các tổ chức, cá nhân mạo danh.
Các đối tượng xấu cũng đưa ra những "mồi nhử" hấp dẫn như việc nhẹ, lương cao, được trả ngay theo ngày, với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 đến 20%. Khi thanh toán các đơn hàng ban đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng. Tuy nhiên, đến đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền này. Đa phần nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ hiện ở nhà chưa có việc làm, sinh viên hoặc người có nhu cầu kiếm thêm thu nhập.
Mới đây, ngày 4/7/2024, Công an phường Bưởi (quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội) nhận được đơn trình báo của chị N (sinh năm 1979; trú tại Tây Hồ) về việc có tham gia làm cộng tác viên online để được hưởng hoa hồng. Với lời mời chào hấp dẫn, chị N đã chuyển gần 1 tỷ đồng nhưng không rút được tiền. Lúc này chị N mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.
Bài đăng giải mạo sàn thương mại điện tử Shopee tuyển dụng cộng tác viên online. |
Một vụ việc khác, Công an huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) tiếp nhận thông tin trình báo từ anh L.S.N. (sinh năm 1990) về việc bị lừa đảo khi tham gia “hệ thống phân phối gum”. Theo đó, khoảng tháng 2/2024, anh có làm quen với một người tên Hương trên Facebook tư vấn anh tham gia vào thành viên hệ thống phân phối gum trên trang website: www.gumru.online, khi tham gia hoàn thành 60 đơn hàng sẽ có tiền lời cao.
Nghe theo hướng dẫn, anh tham gia vào trang website này, hệ thống yêu cầu anh nạp tối thiểu 500 USD (tương đương 13 triệu đồng) vào tài khoản để làm vốn phân phối hàng hóa, liên tục trong các ngày tiếp theo anh nộp thêm 57 triệu đồng theo yêu cầu để hoàn thành giao dịch phân phối đơn hàng, vừa hoàn thành xong đơn hàng, hệ thống tiếp tục yêu cầu nạp cho đến đơn cuối cùng. Phát hiện bất thường, anh N dừng thực hiện giao dịch. Lúc này hệ thống yêu cầu nạp thêm 5 triệu đồng để tránh việc hệ thống trừ tiền trên tài khoản ngân hàng, vì sợ mất tiền anh tiếp tục nộp theo yêu cầu. Tổng số tiền các lần anh nạp vào hệ thống và bị chiếm đoạt là hơn 260 triệu đồng.
Thời gian qua, nhiều sàn thương mại điện tử (như Shopee, Lazada, Tiki,...) và các doanh nghiệp (như Tập đoàn Hoa Sen, Navigos Group Vietnam, Vinmec, Giao hàng tiết kiệm,...) đã đăng cảnh báo về việc bị đối tượng xấu mạo danh thương hiệu tuyển dụng nhân viên và khuyến cáo người lao động cảnh giác khi nhận thông tin tuyển dụng từ bất cứ nguồn nào không phải các trang web và kênh chính thức của công ty.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), các vụ việc lừa tuyển cộng tác viên “việc nhẹ lương cao” có một số dấu hiệu nhận biết chung mà người dân cần lưu ý để tránh mắc bẫy như sau:
Yêu cầu tạm ứng tiền: Nếu được yêu cầu nộp một khoản tiền tạm ứng trước khi bắt đầu công việc, hãy cảnh giác. Lừa đảo thường sử dụng chiêu này để chiếm đoạt tiền của nạn nhân mà không cung cấp công việc thực tế.
Yêu cầu thông tin tài khoản cá nhân: Đối tượng lừa đảo có thể yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, bao gồm số thẻ tín dụng hoặc thông tin ngân hàng, với lý do để thực hiện thanh toán hoặc tạo tài khoản. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để tránh bị đánh cắp phục vụ cho mục đích phạm pháp. Không chuyển tiền cho bất cứ ai hay vì bất cứ lý do gì nếu chưa xác nhận được danh tính đối tượng.
Trang thanh toán đơn hàng không an toàn: Kiểm tra xem trang thanh toán đơn hàng có đủ các biểu tượng bảo mật như khóa SSL (Secure Sockets Layer - 1 giao thức mã hóa giúp đảm bảo thông tin được trao đổi một cách an toàn thông qua một chứng chỉ số SSL được tin cậy) hay “https://” trước URL không. Nếu không có các biểu tượng này, đó có thể là dấu hiệu của một trang web giả mạo và thông tin cá nhân có thể bị đánh cắp.
Quảng cáo công việc quá hấp dẫn và dễ dàng: Lừa đảo thường hứa hẹn công việc có thu nhập cao và dễ dàng, mà không yêu cầu kỹ năng hay kinh nghiệm đặc biệt. Hãy cẩn thận với những đề nghị quá mức hấp dẫn và đánh giá kỹ trình độ của bản thân trước khi tham gia.
Thiếu thông tin công ty hoặc không có thông tin liên hệ: Kiểm tra thông tin về công ty hoặc người tuyển dụng. Nếu không có thông tin rõ ràng hoặc không có thông tin liên hệ, đó có thể là dấu hiệu của một hoạt động lừa đảo. Khi làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.
Thiếu hợp đồng hoặc thỏa thuận rõ ràng: Khi tham gia vào một chương trình tuyển cộng tác viên, hãy yêu cầu và đọc kỹ hợp đồng hoặc thỏa thuận liên quan. Công việc không có hợp đồng hoặc thỏa thuận rõ ràng có thể là lừa đảo, cần được xem xét kỹ.
Kiểm tra về đánh giá và phản hồi tiêu cực: Trao đổi với người dùng khác và tìm hiểu về kinh nghiệm của họ với chương trình tuyển cộng tác viên mà bạn quan tâm. Nếu có nhiều phản hồi tiêu cực hoặc đánh giá không tốt, hãy cân nhắc trước khi tham gia.
Ngoài ra, doanh nghiệp muốn kinh doanh hợp pháp trên website bắt buộc phải khai báo tên miền và trang web với Bộ Công Thương (các website bán hàng hay sàn thương mại điện tử, ví dụ như sendo.com, tiki.vn hay shopee.vn,…). Vì thế, nếu cuối trang web không có logo của Bộ Công Thương thì đây là một website mới được tạo ra và chưa có độ an toàn hay đáng tin cậy. Bên cạnh đó, những website không đáng tin cậy và kém an toàn thông thường không được chú trọng nhiều về nội dung, thông tin đăng tải cẩu thả, nhiều lỗi chính tả,… Người dân cần lưu ý những điều này.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo, để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, người dân phải luôn thận trọng và kiểm tra kỹ bất kỳ thông tin nào trên mạng xã hội. Đồng thời, nâng cao nhận thức, kiến thức về an ninh mạng và tuyên truyền cho những người xung quanh được biết. Cảnh giác khi nhận được lời mời kết bạn, trò chuyện của các tài khoản mạng xã hội không quen biết. Kiểm tra kỹ thông tin nhân thân của chủ tài khoản bằng cách theo dõi lịch sử hoạt động của tài khoản thông qua hình ảnh đại diện (avatar) hoặc các hình ảnh, bài đăng trên tường cá nhân (đối tượng giả mạo thường mới thay đổi hình ảnh đại diện, đăng nội dung trong thời gian gần) hoặc lựa chọn thức liên lạc truyền thống như gọi điện, gặp mặt trực tiếp, gọi video để kiểm tra. Bên cạnh đó, thời gian qua, nhiều trường hợp sau khi đã bị lừa đảo trực tuyến 1 lần, lại tiếp tục bị các đối tượng khai thác tâm lý muốn nhanh chóng lấy lại tài sản để tiếp tục chuỗi hành vi lừa đảo. Chúng lợi dụng không gian mạng đưa ra các thông tin dịch vụ thông báo là số tiền của nạn nhân đang “bị treo trên mạng” hoặc có khả năng liên kết với các ngân hàng, cơ quan bảo vệ pháp luật để cung cấp dịch vụ “lấy lại tiền”. Vì vậy, nếu đã trở thành nạn nhân của lừa đảo tuyển cộng tác viên, người dân cần nhanh chóng thực hiện thủ tục trình báo, tố giác tội phạm tới cơ quan Công an gần nhất theo quy định pháp luật. Tuyệt đối không tin các quảng cáo trên mạng xã hội (giả mạo Luật sư, chuyên gia An ninh mạng) hứa giúp thu hồi tiền bị treo, hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo trực tuyến. |
Thấy gì từ vụ mất hơn 26 tỷ đồng vì bị lừa liên quan đến án ma túy, rửa tiền? Ngày 2/7/2024, tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa xét xử vụ kiện của khách hàng Trần Thị Chúc, bị lừa đảo ... |
MB Thụy Khuê kịp thời ngăn chặn khách hàng chuyển tiền bị lừa đảo qua Zalo Trong quá trình giao tiếp với khách hàng, nhân viên MB Thuỵ Khuê nhận thấy những dấu hiệu bất thường nên đã nhanh chóng xác ... |
Nguyên tắc sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử an toàn để tránh mất tiền trong tài khoản Trước tình hình lừa đảo trực tuyến ngày càng phức tạp, bên cạnh các giải pháp kỹ thuật của ngành ngân hàng, người lao động ... |