Bình Dương: Trên 50% doanh nghiệp trả lương cao hơn mức tối thiểu vùng
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương - Ảnh: Đình Trọng |
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam lần thứ 11 (khóa XII), sáng 13/7, bà Nguyễn Thị Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương chia sẻ cách làm hay của đơn vị trong việc tham gia triển khai thực hiện Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức tiền lương tối thiểu đối với người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động.
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến 15/6/2022, địa phương thu hút hơn 57 nghìn doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước và hơn 4 nghìn dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Toàn tỉnh hiện có trên 1,5 triệu lao động.
“NLĐ và các cấp Công đoàn tỉnh Bình Dương rất quan tâm và trông chờ quy định tăng lương của Chính phủ, vì vậy, ngay khi có Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức tiền lương tối thiểu, thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã khẩn trương có những bước triển khai”, bà Loan nói.
Các đơn vị chủ động phối hợp với Sở Lao đông-Thương binh và Xã hội tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các đơn vị có liên quan và chính quyền các địa phương tập trung quan tâm công tác quản lý, yêu cầu, đề nghị kết hợp với tuyên truyền, giải thích đến các doanh nghiệp để hiểu và thực hiện đúng tinh thần của các quy định về tăng lương tối thiểu vùng.
Bên cạnh đó, hướng dẫn các công đoàn cơ sở chủ động đề xuất, tư vấn doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì khi tăng lương theo quy định của Chính phủ. Bà Loan nói thêm, việc này LĐLĐ tỉnh đã thực hiện từ những tháng đầu năm, khi nghe thông tin năm 2022 sẽ tăng lương, với mục đích để doanh nghiệp có lộ trình chuẩn bị trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.
Các cấp Công đoàn tỉnh Bình Dương cũng đôn đốc doanh nghiệp khẩn trương rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, các quy định để điều chỉnh cho phù hợp.
“Tuy nhiên không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật; đặc biệt là chế độ tiền lương trả cho NLĐ làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật lao động…”, bà Loan nói và cho biết thêm công đoàn yêu cầu doanh nghiệp phải thông báo công khai để người lao động được biết để tránh xảy ra vấn đề không đồng thuận, không thống nhất dẫn đến mâu thuẫn.
LĐLĐ tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo Trung tâm Tư vấn pháp luật và Ban Tuyên giáo tập trung tuyên truyền đến NLĐ qua mạng xã hội; đường dây nóng của LĐLĐ tỉnh; tuyên truyền lưu động đến các khu nhà trọ đông công nhân lao động; kết hợp các đoàn liên ngành đến thăm và làm việc với doanh nghiệp, công đoàn cơ sở (CĐCS) để hướng dẫn, tuyên truyền về nội dung, phương pháp điều chỉnh lương tối thiểu vùng để có sự thống nhất trong việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Ngoài ra, công đoàn các cấp cũng tuyên truyền cho NLĐ hiểu để tự bảo vệ mình khi bị doanh nghiệp xâm phạm quyền lợi, đề đạt với công đoàn cơ sở khi thấy có dấu hiệu bị xâm phạm quyền lợi. Bên cạnh đó, làm cho chủ sử dụng lao động hiểu, nếu không tăng lương chính đáng cho NLĐ, sẽ có nguy cơ mất nguồn nhân lực.
“Trong thời điểm hiện nay, khi LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn đang chủ trì hoặc tham gia các đoàn giám sát theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị, chúng tôi kết hợp vào nội dung giám sát về thực hiện các chính sách pháp luật có liên quan đến lao động tại các doanh nghiệp với nội dung hướng dẫn, giải thích thêm về các quy định có liên quan đến tăng lương tối thiểu vùng”, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho hay.
Bên cạnh đó, đơn vị chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất CĐCS tổ chức giám sát việc điều chỉnh lương cũng như các khoản phụ cấp, trợ cấp khác của doanh nghiệp không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp thực hiện không đúng, không đầy đủ.
Ở những doanh nghiệp đông công nhân, hay xảy ra tranh chấp thì LĐLĐ tỉnh Bình Dương chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cử cán bộ xuống cùng với CĐCS nắm sát tình hình, hướng dẫn CĐCS trong quá trình điều chỉnh lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ theo vùng cho phù hợp, không để xảy ra tình trạng tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể.
“Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn và vừa đều đã có điều chỉnh lương tối thiểu và thang, bảng lương. Theo đó mức lương tối thiểu của NLĐ được điều chỉnh thêm đều giữa các bộ phận, với mức điều chỉnh dao động từ 260.000 đến 300.000 đồng/người/tháng; đặc biệt, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hơn 50% doanh nghiệp đã áp dụng mức lương trả cho NLĐ cao hơn mức 4.680.000 đồng. Bên cạnh việc nỗ lực thương lượng của tổ chức công đoàn, đồng thời để “giữ chân” NLĐ và “thu hút” thêm lao động mới, thì những doanh nghiệp này vẫn quyết định điều chỉnh tăng 260.000 đồng/người/tháng”, bà Nguyễn Thị Kim Loan vui mừng thông báo.