Những giải pháp cấp bách tạo đà phục hồi tăng trưởng kinh tế
Vấn đề kinh tế của 6 tháng cuối năm 2023 là uốn dòng vốn vào sản xuất kinh doanh |
TS. Nguyễn Đức Kiên
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia
TS. Nguyễn Đức Kiên |
Những ảnh hưởng không tránh khỏi khi các nền kinh tế lớn đảo chiều
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, kinh tế thế giới đã tăng trưởng chậm lại với tốc độ dự kiến của cả năm 2023 chỉ ở mức 2,8%, thấp hơn mức 3,4% của năm 2022. Dự báo tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm từ mức 5,1% năm 2022 xuống còn 2,4% năm 2023.
Sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng ở các nền kinh tế lớn đã lan sang hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư và thương mại trên phạm vi toàn cầu. Không nằm ngoài vòng xoáy, hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ xuất khẩu của cả khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nội địa của Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi sức cầu tại hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ và Châu Âu đều yếu. Thị trường Trung Quốc dù đã mở cửa trở lại nhưng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn khó lấy lại đà tăng trưởng trước đại dịch, nhu cầu tiêu thụ do đó cần thời gian để phục hồi trở lại.
Tăng trưởng kinh tế quý I/2023 tiếp tục đà chậm lại khi chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực công nghiệp thể hiện rõ nhất sự khó khăn của nền kinh tế vĩ mô với tốc độ tăng trưởng âm 0,82% trong quý đầu năm. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động sản xuất sụt giảm phổ biến ở các nhóm ngành phục vụ xuất khẩu do thiếu đơn hàng xuất khẩu kéo dài, trở thành nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng các nhà máy cắt giảm công suất hoạt động và cho nghỉ việc, sa thải công nhân. Tại thời điểm đầu tháng 5/2023, chỉ số sử dụng lao động của cả nước chỉ đạt 95,2% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh ở các địa phương là đầu tàu sản xuất công nghiệp của cả nước như Bắc Ninh, Quảng Nam, Thái Nguyên, Long An, Bình Dương, Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM.
Số liệu đăng ký kinh doanh cũng phần nào phản ánh những khó khăn của hoạt động sản xuất kinh doanh và sự suy giảm niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng kinh tế vĩ mô. Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, đã có 88 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ.
Mặt bằng lãi suất giảm chậm, tín dụng tăng trưởng chậm, nợ quá hạn và nợ xấu gia tăng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản trầm lắng kéo dài khiến cho thanh khoản của nền kinh tế sụt giảm mạnh.
Trước tình hình này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã rất quyết liệt, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành để ứng phó với tình hình, tháo gỡ khó khăn, ách tắc đang cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo các điều kiện thuận lợi để khuyến khích đầu tư và tiêu dùng. Nhờ vậy, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được duy trì, các thị trường tiền tệ, trái phiếu và bất động được giữ vững. Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể kinh tế quý I/2023 và 5 tháng đầu năm 2023, thì việc đạt được các mục tiêu KTXH đã đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là rất thách thức, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cả nước.
Đâu là giải pháp cấp thiết để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà phục hồi tăng trưởng kinh tế?
Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhận định chung là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã được triển khai hết sức nỗ lực, quyết liệt và chủ động. Cần xác định khó khăn kinh tế là một xu thế chung trên phạm vi toàn cầu và trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, việc nền kinh tế trong nước giảm tốc là điều khó tránh khỏi. Việc đạt được tăng trưởng kinh tế dương, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong một bối cảnh kinh tế chính trị thế giới đầy biến động là một nền tảng quan trọng để tiếp tục triển khai các chính sách và giải pháp trong 7 tháng còn lại của năm 2023.
Theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 3% vào năm 2024, trong đó các nền kinh tế ở khu vực đồng tiền chung Châu Âu, Ấn Độ, Trung Đông và Trung Á… có tốc độ phục hồi tốt hơn bình quân. Thương mại toàn cầu năm 2024 cũng được dự kiến sẽ phục hồi nhẹ ở mức tăng trưởng 3,5%. Là một nền kinh tế mở với một trong các động lực tăng trưởng chủ chốt là xuất khẩu, Việt Nam cần sớm có kế hoạch và giải pháp ngay từ thời điểm hiện tại để tận dụng các cơ hội phục hồi này. Đẩy mạnh đầu tư công và đầu tư theo hình thức hợp tác công tư để hình thành cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật mới, như xuất xứ nguyên vật liệu, đối xử người lao động, năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn cần phải được gấp rút triển khai sớm để tăng cường khả năng cạnh tranh của hàng hóa.
Giải ngân đầu tư công tiếp tục là một động lực quan trọng trong bối cảnh sức cầu từ bên trong và bên ngoài nền kinh tế đang còn yếu. Trên cơ sở mục tiêu được Thủ tướng giao năm 2023 và kết quả của năm tháng đầu năm vượt nhiều so với cùng kỳ năm trước, cần tiếp tục tập trung, nỗ lực hơn nữa để triển khai giải ngân hiệu quả và kịp thời, nhất là tại các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, phòng, chống biến đổi khí hậu.
Mặt bằng lãi suất dự kiến sẽ giảm mạnh hơn từ cuối quý II/2023 do điều hành chính sách tiền tệ cần thời gian để phát huy hiệu quả. Trong thời gian tới, cần tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém song song với sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ hài hòa, đồng bộ với các công cụ an toàn vĩ mô để bảo đảm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, tạo thuận lợi cho các ngân hàng cung ứng vốn cho nền kinh tế. Cần triển khai giải pháp yêu cầu các ngân hàng đánh giá lại tình hình sản xuất kinh doanh, năng lực trả nợ của khách hàng để điều chỉnh lại lãi suất đã kí kết sau thời điểm tháng 10/2022 về mức lãi suất phù hợp với tình hình hiện tại.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và chi phí vốn cho nền kinh tế, ngoài việc tập trung vào tín dụng ngân hàng thì cần có giải pháp khôi phục dần thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang hoạt động rất trầm lắng. Ngoại trừ các hoạt động đàm phán để gia hạn thời hạn trả nợ thì các đợt phát hành trái phiếu rất hạn chế trong nửa đầu năm 2023, nên cần có thêm các giải pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ để thị trường này hoạt động trở lại hiệu quả. Việc xem xét sử dụng các quỹ đầu tư Nhà nước tham gia như một nhà đầu tư tích cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp tạo thanh khoản cho thị trường và khôi phục được niềm tin của nhà đầu tư.
Nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế năm 2023, năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2025 của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực, chủ động và sáng tạo nhiều hơn nữa. Dẫu vậy, với những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, chúng ta có niềm tin vào sự phục hồi và phát triển bền vững kinh tế xã hội, hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2023 đã đề ra.
(Tít bài và các tiêu đề phụ trong bài do Tạp chí Lao động và Công đoàn đặt)
Giá dầu sụt mạnh khi tâm lý u ám về tăng trưởng kinh tế toàn cầu dâng cao Dự trữ dầu thô Mỹ tăng trưởng khoảng 3,4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 20/1/2022, theo các nguồn tin thị trường viện dẫn ... |
IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng cảnh báo về nhiều mối nguy Trong cập nhật kinh tế gần nhất, IMF nhấn mạnh rằng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,9% trong năm 2023, như vậy mức ... |
Ngân hàng Thế giới: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến đạt 6,3% năm 2023 Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam mới đây công bố đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của nước ta trong năm 2023 ... |