Tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tổ chức vào sáng 26/12, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp cùng các bộ, ban ngành liên quan đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động.
Trong đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tham gia góp ý vào bản dự thảo và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu, tổng hợp báo cáo.
Ông Phan Văn Anh cho biết, 12 nội dung của chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp theo Nghị quyết 68 cơ bản được hoàn thành, hỗ trợ 45 triệu lao động.
Ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, vừa qua, nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về đơn hàng, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo công đoàn các cấp tổng hợp, có báo cáo nhanh về tình hình đời sống việc làm của người lao động.
Sau đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng bàn bạc để đề xuất Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động.
Theo tổng hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở, từ tháng 9/2022 cho đến hết ngày 10/12 đã có 1.242 doanh nghiệp (tại 44 tỉnh, thành phố) gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng nên phải giảm giờ làm của 482.120 người lao động.
Ông Phan Văn Anh cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành kế hoạch chăm lo đoàn viên, người lao động với phương châm tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết.
Trong đó, nổi bật là gói hỗ trợ đoàn viên, lao động khó khăn, trong đó có những người mất việc, giãn việc. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chăm lo cho trên 1 triệu đoàn viên, lao động, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng.
Tới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang nghiên cứu để có những hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị mất việc, thiếu việc.
"Chúng tôi dự kiến đối tượng bị chấm dứt hợp đồng chưa tìm kiếm được việc làm sẽ hỗ trợ 1 lần với mức 3 triệu đồng. Đối tượng tạm chấm dứt hợp đồng hỗ trợ 1 lần với mức khoảng 2 triệu đồng. Còn đối tượng cắt giảm việc làm, có thu nhập thấp hơn mức lương tối thiểu vùng cũng sẽ được hỗ trợ. Vấn đề này đang được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu" - ông Phan Văn Anh nói.
Với kết quả đạt được trong việc hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp trong Nghị quyết 68, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mong muốn các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu tiếp tục đề xuất Chính phủ có một nghị quyết, chính sách tiếp tục hỗ trợ những đối tượng trên trong bối cảnh bị ảnh hưởng đến đơn hàng, việc làm.
Nguồn: laodong.vn