Rút bảo hiểm xã hội ngày càng tăng, ủy ban của Quốc hội cảnh báo
Ảnh minh họa |
Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa gửi đến các vị đại biểu ý kiến về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, 4 tháng đầu năm 2022 thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
Theo báo cáo này, về lao động, việc làm, đến hết tháng 4/2022, ước số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) là 16.823 triệu người.
Có hai vấn đề Ủy ban cho rằng cần quan tâm.
Một là, xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tại một số địa phương với khoảng 120.000 lao động (gần 10% nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước 2-3%, chủ yếu là lao động phổ thông ở các ngành dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử...
Hai là, số người hưởng BHXH một lần tăng cao trong 4 tháng đầu năm 2022 (khoảng 302 nghìn người), đã tác động đến mục tiêu mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân như Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra.
Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục tình trạng người lao động thanh toán BHXH một lần, thôi tham gia BHXH ngày càng tăng và kéo dài trong nhiều năm qua, làm ảnh hưởng đến mục tiêu thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Trong lĩnh vực y tế, cơ quan của Quốc hội cho biết, tính đến 30/4/2022, cả nước có hơn 85,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tăng 2,02% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng lại giảm 4,7% so với thời điểm cuối năm 2021 (91,1% dân số), tương ứng với giảm 3,03 triệu người.
Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện còn khó khăn, một số người dân đã hết thời hạn sử dụng thẻ chưa tham gia lại, hàng triệu học sinh, sinh viên chưa đóng tiền tham gia tiếp...; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT cả về phía người bệnh và cơ sở y tế vẫn chưa được kiểm soát triệt để; danh mục thu chi, vật tư y tế thuộc danh mục được hưởng BHYT tại tuyến cơ sở còn hạn chế.
Một vấn đề nữa cần quan tâm được nêu ở lĩnh vực này là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tăng cao những tháng đầu năm 2022, áp lực đè nặng lên cán bộ y tế, đặc biệt là ở tuyến cơ sở, trong khi đó, chế độ chính sách đối với nhân viên y tế còn hạn chế dẫn đến nhiều cán bộ, nhân viên y tế xin nghỉ việc gây thiếu hụt nhân lực y tế. Chỉ trong quý 1/2022, TP.HCM có 400 nhân viên y tế xin nghỉ việc.
Đáng lưu ý, cơ quan của Quốc hội cảnh báo, sự xuất hiện của bệnh viêm gan cấp tính “bí ẩn” thời gian gần đây sẽ tiếp tục là hồi chuông cảnh báo về nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác, có khả năng đe dọa hệ thống y tế toàn cầu trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn chưa kết thúc. Bên cạnh đó vấn đề sức khỏe tâm thần của người dân hiện cũng đáng báo động, tình trạng trầm cảm, tự tử đặc biệt ở phụ nữ và trẻ em có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Trong bối cảnh đó thì Bộ Y tế và BHXH Việt Nam chưa có sự thống nhất trong việc hướng dẫn thanh toán BHYT đi với các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy mượn, máy do các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất đặt đã gây khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến các cơ sở cũng như quyền lợi của người khám chữa bệnh.
Cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng nghị định về mua sắm công trong lĩnh vực y tế (trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế, thu c, vắc xin, sinh phẩm y tế).
Đồng thời, chỉ đạo BHXH Việt Nam, Bộ Y tế và các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ để tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHYT (người tham gia BHYT theo hộ gia đình, người làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình, người lao động trong các doanh nghiệp); đa dạng hóa, đơn giản hóa phương thức đóng và mua BHYT tự nguyện nhằm đạt được đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra tại Nghị quyết số 32/2021/QH1575, đồng thời kiểm soát chặt chẽ về quản lý và sử dụng Quỹ BHYT tránh để tình trạng mất cân đối Quỹ.
Chính phủ còn được đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe đối với những sai phạm thuộc lĩnh vực y tế, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, mất niềm tin trong nhân dân.