Cảnh giác với thủ đoạn tiêu thụ tiền giả dịp Tết, cách phân biệt tiền thật - giả
Đặt tour du lịch, đổi tiền online dịp Tết, cẩn thận “sập bẫy” lừa đảo |
Thủ đoạn của tội phạm tiêu thụ tiền giả và khuyến cáo của cơ quan Công an
Theo cơ quan Công an, tội phạm thường lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân, chọn thời điểm buổi tối, nơi mua bán sầm uất để tiêu thụ tiền giả. Chúng thường lợi dụng những người bán hàng đang bận rộn, là người già, trẻ em thị lực kém. Trước khi mua hàng, đối tượng thường gây ra các hành vi khiến người bán hàng mất tập trung, thiếu cảnh giác để giao dịch hàng hóa giá trị lớn bằng tiền giả.
Bên cạnh đó, các đối tượng cũng sử dụng lẫn lộn giữa tiền thật và tiền giả khi mua hàng để tránh bị phát hiện, sử dụng tiền giả để lừa người khác chuyển tiền vào ví điện tử, tài khoản ngân hàng của mình. Loại tội phạm này cũng sử dụng tiền giả mệnh giá lớn để mua các hàng hóa có giá trị nhỏ, như: nước giải khát, thuốc lá, thẻ cào điện thoại, vé số, đổ xăng để được trả lại bằng tiền thật.
Công an khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi thực hiện các giao dịch mua bán, nhất là vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán; thường xuyên có thói quen kiểm tra tiền cẩn thận để chủ động phát hiện tiền giả hoặc tiền nghi giả.
Ngoài ra, người dân cần ưu tiên sử dụng việc thanh toán không dùng tiền mặt qua các ứng dụng thanh toán điện tử (như chuyển khoản, mã QR, ví điện tử,…) tại các siêu thị, cửa hàng, quán ăn, cafe, khu du lịch… nhằm chống hành vi tiêu thụ tiền giả.
Khi phát hiện tiền giả và các đối tượng nghi vấn có hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, mua bán, lưu hành tiền giả, cần kịp thời thông báo cho Cơ quan Công an gần nhất để tiếp nhận, xử lý theo quy định pháp luật.
Một số cách kiểm tra, nhận biết tiền giả
Việc nắm vững một số cách thức cơ bản về nhận biết tiền Việt Nam sẽ giúp người dân tránh nhận phải tiền giả.
Kiểm tra chất liệu polymer in tiền: Tiền thật được in trên chất liệu polymer, có độ đàn hồi và độ bền cao. Vì vậy, có thể kiểm tra độ đàn hồi bằng cách dùng tay bóp chặt tờ tiền rồi thả ra: đối với tiền thật, khi thả ra thì tờ tiền không bị nhăn, bằng phẳng trở lại như ban đầu; đối với tiền giả, khi bóp rồi thả ra thì giống như một tờ giấy bị bóp nhàu nhũ, không có sự đàn hồi.
Kiểm tra các yếu tố bảo an trên tiền: Tờ tiền thật có nhiều yếu tố bảo an như nét in nổi, hình bóng chìm, hình định vị, dây bảo hiểm, cụm số mệnh giá dập nổi trong cửa sổ lớn…Có thể kiểm tra bằng cách soi tờ tiền trước ánh sáng mạnh hoặc đèn UV để kiểm tra; ở tiền giả, hình bóng chìm chỉ là hình ảnh mô phỏng, không tinh xảo; các chữ, số trên dây bảo hiểm không rõ ràng, không sắc nét; hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau.
Kiểm tra hình ẩn (DOE) trong cửa sổ nhỏ: Đây là chi tiết nền nhựa trong suốt và đặt tại phía trên bên trái mặt trước hoặc phía trên bên phải mặt sau tờ tiền. Khi đưa cửa sổ nhỏ tới gần sát mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ tới nguồn sáng phù hợp (có thể là ngọn lửa, đèn đường, đèn flash điện thoại) sẽ nhìn thấy hình ảnh hiện lên xung quanh nguồn sáng. Ở tiền giả, trong cửa sổ nhỏ không có yếu tố hình ẩn.
Sờ và cảm nhận chất liệu của tiền: Tiền thật có chất liệu giấy đặc biệt, khi sờ vào các chi tiết in nổi trên tờ tiền như Quốc huy, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in. Tiền giả thường in trên giấy kém chất lượng, khi vuốt chỉ có cảm giác trơn lì hoặc có cảm giác gợn tay nhưng không có độ nổi, nhám ráp như tiền thật.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã hướng dẫn cách kiểm tra nhanh một số yếu tố bảo an của các loại tiền polymer Việt Nam để xác định tiền thật:
Ảnh: Ngân hàng Nhà nước |
Hành vi sản xuất, tàng trữ, lưu hành tiền giả đều phạm pháp
Pháp luật hiện hành quy định đầy đủ và có chế tài nghiêm khắc về hành vi mua bán tiền giả. Theo Văn bản hợp nhất số 25/VBHN-VPQH Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các hành vi như làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả đều bị pháp luật nghiêm cấm.
Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả tại Điều 207 như sau:
Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3-7 năm.
Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5-12 năm.
Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-20 năm hoặc tù chung thân.
Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-3 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bên cạnh việc xử lý về mặt hình sự, người vi phạm còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 31 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 20 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Cảnh giác với chiêu trò giả mạo nhân viên điện lực, cài ứng dụng lừa đảo Tổng Công ty Điện lực miền Trung vừa đưa ra cảnh báo về tình trạng các đối tượng tự xưng là nhân viên điện lực, ... |
Gia tăng lừa đảo thanh toán trực tuyến cuối năm, người lao động cần làm gì để bảo vệ tài chính cá nhân? Thời điểm cuối năm, người dân có nhu cầu mua sắm lớn, các sàn thương mại điện tử liên tục đưa ra các chương trình ... |
Nhiều thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới nhắm vào doanh nghiệp Thủ đoạn lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, đặc biệt nhắm vào các tài khoản doanh nghiệp trên nền tảng mạng xã hội. ... |