Nghiên cứu của Dell Technologies từ hơn 40 quốc gia vừa công bố cho thấy sau 2 năm tăng tốc chuyển đổi số, các lãnh đạo doanh nghiệp đang chú ý hơn đến tầm quan trọng của nhân viên trong việc chuyển đổi thành công của doanh nghiệp
Theo khảo sát của Dell Technologies, sau 2 năm tăng tốc chuyển đổi số, khoảng một nửa lãnh đạo IT (công nghệ thông tin) tại Việt Nam (tỷ lệ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản (APJ) là 45%) cho rằng doanh nghiệp hiểu rõ hệ quả của việc chuyển đổi số nguồn nhân lực.
Tuy vậy, sau quá trình chuyển đổi quá nhanh, nhiều nhân viên đối mặt với thử thách thích nghi và bắt kịp với những thay đổi. 43% (APJ là 67%) số người tham gia khảo sát tại Việt Nam tin rằng doanh nghiệp đánh giá chưa đúng tầm quan trọng của con người khi lên kế hoạch về các chương trình chuyển đổi số.
71% người tham gia khảo sát tại Việt Nam tin rằng sự phản kháng của nguồn nhân lực với sự thay đổi có thể dẫn đến thất bại |
Kết quả khảo sát chỉ ra rằng doanh nghiệp và người lao động cần thời gian nghỉ ngơi, thích nghi và điều chỉnh trước khi bắt tay tiếp vào dự án mới sau giai đoạn chuyển đổi số quá nhanh. Báo cáo nhấn mạnh khả năng chuyển đổi số vẫn còn tiềm năng vì 71% người tham gia khảo sát tại Việt Nam tin rằng sự phản kháng của nguồn nhân lực với sự thay đổi có thể dẫn đến thất bại.
Hơn 53% (APJ: 62%) người tham gia khảo sát tại Việt Nam lo ngại bị tụt hậu trong thế giới kỹ thuật số phát triển rất nhanh do thiếu người có đủ thẩm quyền, tầm nhìn để tận dụng cơ hội. Đây cũng là lý do mô hình as-a-Service (như một dịch vụ) trở thành lựa chọn có lợi cho nhiều doanh nghiệp.
Ông Amit Midha, đại diện Dell Technologies, chia sẻ: “Thành công của doanh nghiệp và phúc lợi của nhân viên có mối quan hệ khăng khít. Chuyển đổi số bền vững xảy ra khi con người và công nghệ giao thoa.
Các doanh nghiệp nên cân nhắc cách tiếp cận 3 hướng. Đầu tiên, cung cấp cho nhân viên trải nghiệm làm việc bảo mật và đồng nhất, không chỉ ở văn phòng. Thứ hai, sử dụng công cụ công nghệ để tăng năng suất, hiệu quả công việc. Cuối cùng, truyền cảm hứng cho nhân viên qua văn hóa đồng cảm và phong cách lãnh đạo”.
Ông Vũ Trần, Tổng giám đốc Dell Technologies Việt Nam, cho biết: “Tương lai của môi trường làm việc dịch chuyển và sẽ còn tiếp tục thay đổi khi các đội nhóm và cá nhân tìm ra được quy trình phù hợp. Các doanh nghiệp cần đảm bảo những công cụ và hạ tầng cần thiết hỗ trợ nhân viên đạt được thành công”.
Theo thống kê, chỉ có 7% người lao động tại Việt Nam đang theo đuổi các dự án hiện đại hóa. 35% người tham gia khảo sát từ Việt Nam chậm trễ hoặc không muốn thay đổi.
Sự giao điểm giữa con người và công nghệ thể hiện qua 3 yếu tố, đầu tiên là sự kết nối. 72% (APJ: 77%) người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết cần doanh nghiệp cung cấp công cụ và hạ tầng cần thiết để làm việc xa văn phòng. Nhiều doanh nghiệp cũng lo lắng bị tụt hậu khi nhân viên không có công nghệ phù hợp để chuyển đổi sang mô hình làm việc phân tán cao về địa điểm.
Tuy vậy, chỉ riêng công nghệ là không đủ. Các doanh nghiệp cần tạo môi trường làm việc bình đẳng cho mọi người với nhu cầu, sở thích và trách nhiệm khác nhau như trang bị cho cấp quản lý công cụ quản lý đội ngũ từ xa, trao quyền cho nhân viên lựa chọn cách thức làm việc mong muốn và đánh giá dựa trên kết quả đạt được.
Năng suất là yếu tố thứ hai thể hiện con người và công nghệ “hoà hợp”. Các doanh nghiệp cần giao công việc có tính lặp lại cho quy trình tự động để nhân viên có nhiều thời gian xử lý sự vụ mang đến nhiều giá trị hơn.
Hiện nay, chỉ 34% người tham gia khảo sát tại Việt Nam chia sẻ công việc “thú vị và không lặp lại”. Gần 79% kỳ vọng được trau dồi kỹ năng và công nghệ mới để nâng cao vai trò của bản thân. Tuy nhiên, các doanh nghiệp với kinh phí giới hạn lo ngại không thể phát triển lực lượng lao động và năng lực cạnh tranh.
Yếu tố thứ ba là sự đồng cảm trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa xem nhân viên là nguồn lực quý nhất, dưới sự dẫn dắt của lãnh đạo có sự đồng cảm. Hơn 60% cảm thấy bị ngộp bởi những công nghệ phức tạp. Ngoài ra, nhiều người muốn điều chỉnh chương trình chuyển đổi phù hợp với kỹ năng của bản thân.
Doanh nghiệp cần trang bị cho cấp quản lý công cụ quản lý đội ngũ từ xa |
Nghiên cứu của Dell Technologies được thực hiện bởi công ty nghiên cứu thị trường Vanson Bourne từ tháng 8-10/2021 tại hơn 40 quốc gia.
10.500 người được hỏi có vai trò ra quyết định kinh doanh cấp cao, người ra quyết định về công nghệ thông tin và người lao động tri thức (nhân viên tham gia vào quá trình chuyển đổi số).
Tại APJ, 2.900 người tham gia khảo sát đến từ Australia, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Tại Việt Nam, 200 người tham gia cuộc khảo sát của Dell Technologies.