PVG bức tranh tài chính xám xịt
PV GAS doanh thu hơn 100.000 tỷ đồng, thiết lập mức cao nhất lịch sử |
CTCP kinh doanh LPG Việt Nam. |
CTCP kinh doanh LPG Việt Nam (PVG sàn HNX) vừa chốt danh sách trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 3%, ngày đăng ký cuối cùng là 20/6/2023, ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/6/2023 và ngày thực hiện thanh toán là 18/7/2023.
Trước đó, PVG công bố Báo cáo tài chính quý 1/2023 với kết quả khá ảm đạm. Theo đó, tại 31/3/2023 công ty có 326,6 tỷ các khoản phải thu ngắn hạn, giảm 6,9% so với đầu năm, nhưng trong đó có tới 69,8 tỷ dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi. Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác 35 tỷ, nhưng phải trích lập dự phòng mất 25 tỷ khiến cho đầu tư tài chính dài hạn chỉ còn 10 tỷ. Nợ phải trả tại 31/3/2023 là 1069,8 tỷ, tăng 11,7% so với đầu năm, bao gồm nợ ngắn hạn 873,2 tỷ - tăng 10,5% so với đầu năm và nợ dài hạn lại tăng 17% lên 196,6 tỷ đồng.
Quý 1/2023, PVG đạt doanh thu 957,8 tỷ, giảm 22,5% so với quý 1 năm ngoái, nhưng chi phí bán hàng lại tăng 1,7% lên 91 tỷ và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13,7% lên 14,4 tỷ. Lợi nhuận sau thuế quý 1/2023 vỏn vẹn 3,6 tỷ, giảm 26,7% so với quý 1 năm ngoái.
Lật lại cùng kỳ năm trước cho thấy kết quả kinh doanh quý 1/2022 cũng gây ngạc nhiên và thất vọng cho giới đầu tư. Mặc dù giá dầu và khí đốt tăng mạnh trong quý 1/2022 khiến giới đầu tư dự đoán PVG hưởng lợi cao nhờ lượng tồn kho rất lớn ở giá rẻ. Thế nhưng Quý 1/2022 PVG đạt doanh thu 1214 tỷ, xấp xỉ quý 1/2021, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vỏn vẹn 2,7 tỷ, giảm 56,4% so với quý 1/2021, nhờ có khoản lợi nhuận khác 1,6 tỷ nên lợi nhuận sau thuế quý 1/2022 là 3 tỷ, giảm 39,5% so với quý 1/2021.
PVG có vốn điều lệ 365 tỷ, là công ty con của Tổng công ty khí Việt Nam PVGas. Trong vòng 8 năm gần đây có nhiều năm PVG không chia cổ tức. Đại diện vốn nhà nước tại PVG là các ông bà Hoàng Việt Dũng, Nguyễn Hải Long, Đoàn Trúc Lâm, Trần Anh Khoa. Ông Hoàng Việt Dũng mới tiếp quản ghế Chủ tịch HĐQT từ ông Nguyễn Thanh Bình - Phó TGĐ Tổng công ty khí Việt Nam, công ty mẹ của PVG.
Đáng chú ý, PVG đã có một số năm không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận mà ĐHCĐ thường niên đề ra. Lợi nhuận của PVG các năm qua là rất thấp so với một số công ty cùng trong ngành kinh doanh sản phẩm khí đốt. Ví dụ một công ty con
khác của Tổng công ty khí Việt Nam là Công ty cổ phần CNG Việt Nam (mã CNG –HSX) các năm vừa qua có doanh thu chỉ bằng nửa PVG nhưng lợi nhuận sau thuế thường cao gấp 5-10 lần so với PVG. Hay Công ty cổ phần Kinh doanh Khí Miền Nam (mã PGS sàn HNX) cũng có doanh thu cao hơn không nhiều so với PVG nhưng lợi nhuận cao gấp nhiều lần lợi nhuận của PVG.
PVG có nhiều lợi thế, doanh nghiệp này công bố là đơn vị duy nhất được phép sản xuất kinh doanh sản phẩm bình gas mang nhãn hiệu PETROVIETNAM GAS được người tiêu dùng đánh giá cao; sở hữu hệ thống kênh phân phối đa dạng được xây dựng rộng khắp trên tất cả các tỉnh thành; Hệ thống kho chứa với các Tổng kho trực thuộc tài miền Bắc, miền Trung và tận dụng được các kho chứa đầu mối của Tổng công ty tại miền Nam… Năm 2021 công ty đạt sản lượng 224683 tấn LPG, gồm 131295 tấn LPG công nghiệp và 93389 tấn LPG công nghiệp. Năm 2022 công ty đạt sản lượng 213186 tấn LPG.
Trước kết quả kinh doanh ảm đạm của PVG như vậy, nên chăng đã đến lúc cơ quan quản lý phần vốn Nhà nước cần vào cuộc làm rõ nguyên nhân bết bát của PVG để tìm ra giải pháp hỗ trợ Công ty khắc phục tình trạng yếu kém, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước.
Bức tranh thu nhập của người lao động ngành BĐS đang như thế nào? |
PV Gas chốt trả cổ tức bằng tiền 2022 tỷ lệ 36%, năm 2023 đặt mục tiêu "đi lùi" |