2 phương án về chế độ rút BHXH một lần |
Tại lần trình này, Chính phủ thiết kế 2 phương án rút BHXH một lần. Cụ thể, phương án 1, người lao động đã tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến 01/07/2025), sau 12 tháng nghỉ việc, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi thì không được nhận BHXH một lần. Quy định này không áp dụng với các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của luật.
Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Trong trường hợp, nếu phương án 1 như trên được Quốc hội thông qua, từ thời điểm Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến ngày 1/1/2025), người tham gia BHXH mới sẽ không còn được hưởng chế độ BHXH một lần sau khi nghỉ việc và dừng đóng 12 tháng. Chế độ BHXH một lần trong tuổi lao động chỉ áp dụng với người đã, đang và sẽ tham gia BHXH từ nay tới hết ngày 31/12/2024 (áp dụng với khoảng 17,5 triệu người đang tham gia BHXH).
Về mức hưởng BHXH một lần, thời gian đóng BHXH trước năm 2014, mỗi năm đóng được tính hưởng bằng 1 tháng lương tính đóng BHXH; thời gian đóng sau năm 2014, mỗi năm đóng được tính hưởng bằng 2 tháng lương tính đóng. Người tham gia BHXH tự nguyện khi rút BHXH một lần chỉ được nhận phần tiền mình đóng, không được nhận phần tiền nhà nước hỗ trợ đóng.
Trước đó, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ số liệu thống kê của cơ quan BHXH cho thấy, trong giai đoạn 2016-2022, cả nước có hơn 4,8 triệu người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH 1 lần; bình quân mỗi năm có gần 700 nghìn người hưởng BHXH 1 lần. Những người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi. Như vậy, có thể thấy người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu là lao động trẻ.
Việc người lao động nghỉ việc, rút một cục rồi sau đó xin việc mới, đóng BHXH vòng hai đủ 15 năm (hoặc 20 năm như dự thảo Luật BHXH sửa đổi) để hưởng lương hưu sẽ để lại hệ lụy tiêu cực cho cả người lao động, doanh nghiệp và Nhà nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi người lao động rút một lần khi đóng BHXH 15-20 năm được hưởng 45% mức hưởng sẽ không đủ sống. Trong khi đó, doanh nghiệp không có sự ổn định sản xuất, kinh doanh khi số lao động làm việc 14 năm đóng BHXH lại xin nghỉ. Hơn nữa, nếu số người rút một lần tiếp tục tăng cao sẽ dẫn đến lo ngại vỡ quỹ BHXH.