Tại hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức sáng 8/2, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết thời gian qua các doanh nghiệp BĐS sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có vốn tự có, vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vốn qua thị trường chứng khoán (TTCK),… Các doanh nghiệp BĐS đã chủ động sử dụng khá hiệu quả trong việc huy động vốn. Do đó BĐS có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian qua, nhiều dự án hoàn thành tạo ra nhiều chỗ ở cho người dân.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: PV |
Thời gian qua khi Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp BĐS, có thể thấy sự hỗ trợ tích cực của NHNN. Trong 3 năm gần đây tín dụng cho BĐS luôn tăng theo từng năm. Chính phủ và NHNN cũng chưa từng chỉ đạo siết tín dụng BĐS. Chỉ có việc chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng cho vay BĐS và chúng tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương cho vay đúng đối tượng, tránh tình trạng sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích.
Trong 3 năm gần đây dư nợ tín dụng bất động sản tăng liên tục. Hơn nữa, các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN cũng không yêu cầu siết tín dụng bất động sản mà NHNN chỉ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ cho vay đối với lĩnh vực này. Trong bối cảnh thị trường khó khăn những tháng cuối năm 2022, NHNN cũng đã đề xuất nới room tín dụng để hỗ trợ cho vay.
Cuối năm 2022 NHNN đã nới room tín dụng và Bộ Xây dựng đánh giá rất cao động thái này. Mặc dù vậy, quý 4/2022 các doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn.
Chính phủ, Thủ tướng có chỉ đạo kịp thời, quyết định thành lập Tổ công tác để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, thị trường bất động sản, qua đó thấy rằng các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải ngân, nhiều nhà thầu không thực hiện được dự án. Nhiều doanh nghiệp dừng dự án, cho người lao động nghỉ việc.
Nguồn cung BĐS giảm nhưng tín dụng lại đang tăng là do bên cạnh việc kiểm soát chặt tín dụng thì lâu nay những khó khăn trên thị trường trái phiếu cũng dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua.
![]() |
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến về công tác tín dụng đối với lĩnh vực BĐS. Ảnh: PV |
Bộ Xây dựng đang chủ trì sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS để khắc phục sửa chữa những chính sách, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh hơn trong thời gian tới. Về giải pháp làm thế nào tiếp cận nguồn vốn tín dụng một cách thuận lợi, hội nghị ngày hôm nay đã nêu rõ nhiều giải pháp.
Bộ Xây dựng đề nghị không chỉ từ phía các Ngân hàng mà các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu các quy định, điều kiện, tiêu chí cho vay để thực hiện cho đúng. Cần có tài sản đảm bảo, dự án có đủ pháp lý, như thế ngân hàng mới yên tâm giải ngân vì họ cũng phải thực hiện đúng pháp luật.
Các doanh nghiệp cũng nên cơ cấu các sản phẩm kinh doanh, rà soát lại các dự án đảm bảo nguồn lực khả năng thực thi của mình. Đề nghị doanh nghiệp tiếp tục rà soát, bám sát các dự án để thực hiện triển khai hiệu quả hơn.
Mong NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện hỗ trợ cho DN BĐS vay vốn, đặc biệt là cố gắng giải ngân tiếp các dự án đang thực hiện dở dang, các dự án có đầy đủ pháp lý.
Thứ trưởng Sinh cho biết, thời gian qua các doanh nghiệp BĐS rất khó khăn, đề nghị các ngân hàng làm việc với các doanh nghiệp để cơ cấu lại các khoản nợ xấu, để hỗ trợ các doanh nghiệp vì nếu để nảy sang nợ xấu thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp.
"Thời gian tới mong ngành ngân hàng ưu tiên tập trung tín dụng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ, nhà ở giá rẻ, đáp ứng nhu cầu tốt hơn cho người dân". Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Hiện nay, theo báo cáo của các ngân hàng, Bộ Xây dựng và Hiệp hội Bất động sản TP HCM, khó khăn vướng mắc của thị trường bất động sản tập trung chủ yếu ở các vấn đề về thủ tục pháp lý (chiếm 70% khó khăn, vướng mắc của thị trường), trình tự thủ tục đầu tư, về nguồn vốn trái phiếu. Do đó, để tháo gỡ, theo NHNN, cần sự triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía các bộ, ngành liên quan. Thời gian tới, NHNN vẫn sẽ điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng để vừa đảm bảo an toàn hệ thống vừa góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. |